Vợ liệt sĩ nửa thế kỷ sống “lưu vong”
(Dân trí) - Một người vợ liệt sĩ đã hơn 50 năm không có nhà để ở. Đến nay, người phụ nữ đã sống ngót một thế kỷ ấy vẫn còng lưng chờ được cấp đất theo chế độ của nhà nước.
Ngày trước, cô thôn nữ Phượng được xếp vào hàng hoa khôi của làng. Được anh Lê Khắc Bệch đem lòng cảm mến, lấy về làm vợ. Sau đó ông bà có với nhau hai mặt con. Đang thời chiến tranh chống thực dân Pháp, với tình yêu quê hương đất nước, người vợ trẻ đã đồng ý để chồng tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Chồng bà tham gia chiến đấu tại mặt trận Tây Bắc ác liệt. Một ngày cuối thu năm 1953, cái tin ông Bệch đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đầy khói lửa làm bà Phượng chết lặng người. Cho đến nay, thân xác ông vẫn nằm lại ở chiến trường Tây Bắc dù chính quyền và gia đình đã rất nỗ lực để tìm kiếm.
Nửa thế kỷ chờ đợi
Nhà cửa chật hẹp, cuộc sống cũng không mấy sung túc. Bà phải chắt bóp sống qua ngày bằng nguồn trợ cấp thân nhân liệt sĩ 355.000 đồng mỗi tháng. Bà mong muốn có được một căn nhà để tĩnh dưỡng phần đời còn lại.
Mòn mỏi đợi chờ, hy vọng của bà cũng đã được nhen nhóm vào năm 2000, khi nhà nước có chính sách giải quyết đất ở cho người có công với cách mạng. Theo quyết định số 20/2000/QĐ-Ttg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan sau đó, bà Phượng thuộc diện được nhà nước cấp đất để làm nhà, ổn định cuộc sống theo đúng chủ trương đền ơn đáp nghĩa của nhà nước. Nhưng cũng từ đó đến nay, bao nhiêu hy vọng cũng là bấy nhiêu thất vọng, “người ta” vẫn chưa giải quyết theo đúng chế độ để bà có được một mái nhà.
“Lưu vong” chờ hồi âm
Nhưng hơn một năm qua, việc này lại có vẻ như đang rơi vào quên lãng. UBND phường Điện Biên nơi bà cư trú hiện nay cũng như UBND xã Trung Thành, huyện Nông Cống (quê gốc của bà) đều đã xác nhận là bà không có nhà ở lâu dài.
Thế là bà già ngót trăm tuổi phải đi gõ cửa các cơ quan chức năng để “xin” đất. Câu chuyện “xin” đất ấy của bà đã kéo dài hơn một năm qua với rất nhiều đơn thư gửi đến các cơ quan trong tỉnh chờ giải quyết.
Khó khăn chồng chất khó khăn, tuổi cao sức yếu như một cành cây khô sắp gẫy, chuyện “xin đất” của bà đang rơi vào tình trạng bế tắc. Mòn mỏi chờ đợi, mong muốn có được một mảnh đất để làm nơi thờ phụng người chồng liệt sỹ cho trọn nghĩa vẫn chưa thành hiện thực.
Không nản lòng, bà đã tìm đến Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để thỉnh cầu giúp đỡ. Sau đó, văn phòng đã có công văn chính thức gửi UBND TP Thanh Hóa đề nghị giải quyết. Nhưng đến nay, gia đình bà Phượng vẫn chưa nhận được hồi âm từ các cơ quan chức năng TP Thanh Hóa. Và bà vẫn phải “lưu vong” chờ đợi hồi âm!!!
Cường Nguyên