1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Ninh:

Vỡ đập Khe Dè, nhiều người dân suýt chết

Chỉ trong vài phút, hàng ngàn mét khối đất đá từ khu phế thải của Công ty than Cọc Sáu đã liên tiếp phá vỡ các đập số 1, 2, 3; cuốn trôi 6 ngôi nhà và nhấn chìm khoảng 2 ha đất vườn đồi, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Đã 4 ngày trôi qua, kể từ tai họa vỡ đập Khe Dè trưa 31/7, nhưng hàng trăm hộ dân khu 12, phường Cửa Ông, Cẩm Phả - Quảng Ninh vẫn chưa hết bàng hoàng, nhất là khi cơn bão số 3 đang tiến dần vào phía bắc Biển Đông.

 

Trận lở đất kinh hoàng

 

Ông Lưu Khắc Pha - Tổ trưởng tổ dân phố kể lại: “Trưa 31/7, cả gia đình tôi đang nghỉ trưa thì nghe tiếng hô thất thanh: Vỡ đập rồi, bà con ơi! Thế là cả gia đình hò hét nhau chạy, toàn bộ đồ đạc, tài sản của gia đình tôi bị chôn dưới đống bùn kia…” - Vừa nói, ông Pha vừa chỉ cho chúng tôi chỗ ngôi nhà cấp 4 cao 3,2 m của gia đình ông đang bị vùi sâu dưới chân bùn dù cách chân đập tới vài trăm mét.

 

Không riêng gia đình ông Pha, toàn bộ 15 hộ dân của khu 12, phường Cửa Ông cũng rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, khi nhà cửa, tài sản, vườn tược đều bị chìm sâu dưới đống đất xít của bãi rác thải Công ty than Cọc Sáu.

 

Chúng tôi tìm gặp ông Vũ Quyết Tiến - Bí thư Đảng ủy phường Cửa Ông - người trực tiếp chứng kiến cảnh vỡ đập Khe Dè. Ông Tiến kể: “Lúc đấy, trời mưa to. Chúng tôi đang kiểm tra trên mặt đập thì nghe thấy tiếng ầm ầm, rồi đất nứt, sập khắp xung quanh. Chúng tôi chạy thục mạng. Cũng may, đập không vỡ lúc đêm khuya…”.

 

Theo miêu tả của nhiều người dân trực tiếp chứng kiến và hứng chịu cảnh vỡ đập, chỉ trong vài phút, hàng ngàn mét khối đất đá từ khu phế thải của Công ty than Cọc Sáu đã liên tiếp phá vỡ các đập số 1, 2, 3; đồng thời cuốn trôi 6 ngôi nhà và nhấn chìm khoảng 2 ha đất vườn đồi; 7 con bò, nhiều xe máy, xe cải tiến bị bùn đất cuốn đi, ước thiệt hại vài tỷ đồng...

 

Công ty than Cọc Sáu làm ngơ?

 

Tại sao đập Khe Dè bị vỡ là câu hỏi được nhiều người quan tâm hơn cả. Hầu hết người dân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho rằng, chính Công ty than Cọc Sáu - đơn vị chủ quản của công trình này - phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

 

Bởi, đã nhiều lần, các hộ dân làm đơn kiến nghị UBND phường, UBND thị xã Cẩm Phả và Công ty than Cọc Sáu về nguy cơ vỡ đập nhưng không có biện pháp giải quyết khả thi nào được đưa ra.

 

Người dân cho biết thêm, sau trận bão lịch sử số 7 năm 2005, đập đã bị tràn trong thời gian dài, khiến lượng lớn đất đá thải của công ty vùi lấp nhiều diện tích vườn đồi và tài sản của các hộ dân xung quanh. Ngày 8/7, người dân lại gửi đơn các cơ quan, đơn vị trên cảnh báo nguy cơ vỡ đập đã gần kề nhưng vẫn không thấy hồi âm.

 

Nhiều hộ dân cho biết, việc thi công đập Khe Dè của Công ty than Cọc Sáu hết sức cẩu thả: Thiết kế bất hợp lý, đập chính không làm móng, chỉ đắp đất thông thường trên nền đất yếu.

 

Trong khi đó, mỗi năm công ty này đổ hàng chục triệu mét khối đất đá thải. Đập Khe Dè vỡ là điều đương nhiên. Mãi gần 2 ngày sau sự cố, chiều 1/8, công ty này mới cử người mang tiền hỗ trợ các hộ dân mất nhà (3 triệu đồng/hộ).

 

Chiều 3/8, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thuật dẫn đầu đã kiểm tra sự cố vỡ đập Khe Dè. Bộ và UBND thị xã Cẩm Phả đã xác định lỗi hoàn toàn thuộc Công ty than Cọc Sáu.

 

Điều đáng nói, xung quanh vịnh Hạ Long có hàng chục công trình đập ngăn đất đá phế thải của các đơn vị trong ngành Than đang có nguy cơ sập, vỡ bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân.

 

Theo PV

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm