“Vô cùng thất vọng vì 3 lần gửi đơn, Chánh án đều nói không có cơ sở...”
(Dân trí) - “Qua 3 lần gửi đơn tới Chánh án, Chánh án đều trả lời không có cơ sở xem xét. Tôi vô cùng thất vọng. Trước khi rời vị trí đại biểu Quốc hội, tôi tha thiết đề nghị Chánh án xem xét lại vụ án này”- đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) "than thở" trước hội trường Quốc hội sáng 29/3.
Góp ý vào báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao sáng 29/3, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) khẳng định, điểm sáng của các cơ quan tư pháp trong nhiệm kỳ qua là tiếp tục thực hiện một cách đúng đắn, nghiêm túc, cầu thị việc bồi thường oan sai trong tố tụng hình sự.
“Người dân, dư luận đánh giá cao việc này nhưng cũng lấy làm tiếc khi đôi lúc việc tổ chức xin lỗi công khai chưa được thấu đáo và thấu hiểu. Nó diễn ra quá ngắn gọn, người được xin lỗi không có cơ hội để giãi bày, làm họ hụt hẫng, cảm giác những oan ức, đau buồn của họ không được chia sẻ, cảm thông. Ý nghĩa việc bồi thường oan sai chưa được trọn vẹn”- ông Tám nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt hàng loạt câu hỏi xung quanh việc thực hiện các luật, mức độ tiếp cận pháp luật của người dân.
“Luật Phòng chống tham nhũng đã được triển khai đến nơi đến chốn chưa, có đủ sức răn đe chưa? Tham nhũng hiện đang ở gần hay ở xa, hay ở chính những người có chức, có điều kiện? Luật Giao thông có nhưng người dân vẫn vi phạm. Rồi luật chất lượng hàng hoá, Luật An toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Hình sự, Luật Xây dựng... nhưng hàng giả, hàng ôi thối, giết người vẫn diễn ra rất nhiều; xây dựng trái phép tràn lan. Tất cả đều diễn ra hàng ngày nhưng pháp luật hiện nay mới chỉ thi hành phần ngọn, còn nguyên nhân vì sao thì không ai tìm hiểu”- bà Khá trăn trở.
Từ đó, bà Khá đề nghị nhiệm kỳ tới các cơ quan nào được giao trình dự án luật thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Đảng, trước dân; hàng năm phải tổng kết đánh giá tỉ lệ tiếp cận luật đó.
Đánh giá về báo cáo nhiệm kỳ của Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, cử tri nhận thấy những thay đổi lớn trong cải cách tư pháp, xây dựng các luật về tòa án, tố tụng, kiên quyết đấu tranh thể chế hóa nguyên tắc tranh tụng; kiểm soát quyền lực, chống vi phạm trong các cơ quan tư pháp.
“Cử tri mong rằng Viện kiểm sát phải tranh thủ nhiều hơn, dũng cảm hơn trong vai trò kiểm sát thi hành luật pháp, quan hệ với các cơ quan tố tụng để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bởi thực tế vẫn có nhiều trường hợp nể nang nhau”- ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa đề nghị nhiệm kỳ tới phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động tranh tụng tại tòa, bảo vệ vị trí của luật sư và không quan trọng vào vị trí ghế ngồi. Việc tranh tụng phải dựa vào bản lĩnh, kinh nghiệm, kiến thức và chiến thắng bằng công lý, sự thật khách quan.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) mong muốn TAND Tối cao và VKSND Tối cao phải được xây dựng làm sao để đạt yêu cầu “tối cao” về đạo đức, trình độ, năng lực truy tố, xét xử.
“Trong thời gian gần nhất, Viện kiểm sát và Tòa án cần phải cùng với Bộ Công an có chương trình rà soát lại toàn bộ những vụ án oan sai, để giải quyết dứt điểm những bức xúc của người dân đặt ra”- ông Phúc kiến nghị trước Quốc hội.
Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM)
Chung quan điểm, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) yêu cầu TAND Tối cao đánh giá thêm về việc phối hợp với đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong giải quyết các vụ việc oan sai; đánh giá sâu hơn về kết quả xét xử, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
“Báo cáo của TAND Tối cao có nêu giải quyết 86,5%, chất lượng giải quyết đảm bảo, 100% kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao đều được hội đồng thẩm phán chấp nhận nhưng tôi chưa thật tin, đồng tình dù báo cáo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra, nhưng đây là kết quả đánh giá chủ quan của ngành, chưa có cơ chế để xã hội và công dân đánh giá về kết quả xét xử”- bà Dung nói.
Hơn nữa, trong lĩnh vực tư pháp, ngành tòa án còn một bộ phận cán bộ có trình độ, phẩm chất chính trị chưa đáp ứng yêu cầu; còn nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu.
Kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét lại vụ việc dân sự của bà Trần Thị Bức ở An Phú, Củ Chi (TPHCM), đại biểu Võ Thị Dung khẳng định, các giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội và cá nhân bà cho thấy vụ việc này sai hoàn toàn nhưng lại không được xem xét, giải quyết thấu đáo.
“Đây là gia đình liệt sĩ, cuộc sống rất khó khăn nhưng qua 3 lần gửi đơn tới Chánh án, Chánh án đều trả lời không có cơ sở xem xét. Tôi vô cùng thất vọng. Trước khi rời vị trí đại biểu Quốc hội, tôi tha thiết đề nghị Chánh án xem xét lại vụ án này”- bà Dung khẩn thiết.
Từ kinh nghiệm hoạt động trong ngành tòa án, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) thừa nhận thẩm phán TAND các cấp phải chịu nhiều áp lực vì số lượng án bị sửa, bị hủy rất nhiều và dư luận xã hội nghi ngờ, không tin vào hệ thống tư pháp.
“Đây là nỗi đau lớn nhất của hệ thống tư pháp. Chính vì thế tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải quan tâm, cải tiến về đội ngũ cán bộ làm trong công tác này, làm sao đủ sức đảm bảo giải quyết các loại án, đảm bảo tính liêm khiết, công tâm, để đội ngũ thẩm phán không nơm nớp lo sợ cho sự nghiệp bấp bênh của mình, những người liêm chính không còn sợ những nghi ngờ của dư luận”- bà Bình nói.
Thế Kha