(Dân trí) - Giữa những ngày thành phố thực hiện giãn cách, gia đình chị Ngọc Trân không lo thiếu đồ ăn nhờ khu vườn 20m2 "chẳng thiếu gì", tràn ngập các loại rau trái trên sân thượng.
Cách đây 10 năm, vợ chồng chị Lê Thị Ngọc Trân (quận Phú Nhuận, TPHCM) bắt đầu làm vườn trên sân thượng với mong muốn tạo không gian thoáng mát, phủ xanh "nóc nhà".
Ban đầu, chồng chị Trân chỉ gieo trồng cải mầm, rau thơm, cải ngọt, dưa leo, khổ qua (mướp đắng). Sau đó, thấy cây trồng tươi tốt, sai trĩu quả nên chị quyết định phụ ông xã chăm sóc và gieo trồng thêm nhiều loại rau trái hơn để có nguồn thực phẩm sạch cho gia đình.
"Trước khi trồng, bạn nên xới tơi, làm cỏ và phơi ải chừng 10 ngày để diệt trừ mầm bệnh có trong đất. Hết thời gian phơi ải thì bắt đầu bón phân, cấp ẩm cho đất, làm giàn để che chắn cho cây trong thời gian đầu.
Khi cây con ươm được khoảng một tháng thì đánh ra chậu để trồng. Tùy vào điều kiện mà bạn có thể làm giàn hoặc để cây trồng bò. Tuy nhiên, dưa gang thuộc thân bò nhiều hơn thân giàn, nếu trồng ở đất ruộng thì loại cây bò này sẽ cho năng suất và chất lượng ngon hơn. Còn trồng trên sân thượng diện tích hạn chế thì phải làm giàn cho cây leo", chị Trân chia sẻ.
Nữ gia chủ sử dụng phân chuồng ủ hoai để bón cho khi cây được 15-20 ngày tuổi nhằm bổ sung dinh dưỡng giúp cây hấp thu và phát triển tốt hơn. Lúc cây cao khoảng 20-30cm là thời điểm thích hợp để vun gốc. Điều này giúp cây hấp thụ hiệu quả những chất dinh dưỡng có trong đất cũng như phân bón.
Trong quá trình trồng dưa gang, cần chú ý bấm ngọn để cây phân thành nhiều nhánh và cho ra trái nhiều hơn. Thời điểm bấm ngọn dưa gang hợp lý nhất là sau khi trồng 15 ngày. Sau bước bấm ngọn cần bổ sung thêm phân bón để cây ra nhánh tốt hơn. Mỗi cây chỉ nên giữ 3-5 quả để nuôi trái được tốt và đạt chất lượng cao.
Chị Trân cũng chọn thời điểm thu hái phù hợp, tốt nhất là hái khi quả sắp chín. Nếu để lâu, cây dễ bị mất sức mà quả có thể bị hư hỏng. Khi phát hiện cây có dấu hiệu già cỗi, yếu ớt, gia chủ tiến hành dọn gốc, làm đất để trồng những loại cây khác.