Vô cảm do đâu?
Không phải ai cũng vô cảm trước sự sống còn của những người xung quanh mình. Vậy điều gì đã ngăn cản họ không thể chìa đôi tay khi cần thiết?
Các chuyên gia xã hội học đều chung nhận định: Vô cảm đang có chiều hướng gia tăng về tính chất lẫn cường độ. Đây là sản phẩm xã hội của quá trình đô thị hóa, nơi mà tính cố kết cộng đồng đang dần bị thay thế bởi tính lợi ích cá nhân.
Anh Cát Văn Thuận (ngụ quận Bình Tân - TPHCM), thanh niên dũng cảm truy bắt tên cướp đâm chết người để giật tài sản xảy ra trên đường Cộng Hòa giữa tháng 9/2012, được đại diện lãnh đạo Bộ Công an trao bằng khen.
Ngại sự rắc rối, ngại “trả giá”
Lý giải nguyên nhân, ThS Vũ Toản, giảng viên Khoa Xã hội học Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, cho rằng khi đứng trước sự việc có nguy cơ phương hại đến lợi ích trên nhiều khía cạnh khác nhau thì người dân sẽ cảm thấy mức độ rủi ro cao đối với sự can thiệp mang tính tự phát cá nhân của mình.
Người dân sợ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của mình nên xuất hiện tâm lý né tránh các mối quan hệ phiền phức, mất thời gian nơi phố thị đông người. Đó là sự lựa chọn có tính duy lý của mỗi người.
Nguyên do thứ hai được ThS Vũ Toản đưa ra là lối sống đô thị. “Đặc trưng của đô thị là có lối sống nhanh. Quan hệ trong đô thị chằng chịt. Sự trói buộc của các mối quan hệ buộc họ phải chạy đua. Nhiều tương tác xã hội khiến cá nhân phải có sự cân nhắc, lựa chọn hành vi có lợi cho bản thân. Về mặt nhận thức, họ muốn giúp đỡ. Nhưng về mặt hành động, họ lại đang chạy đua với các mối quan hệ nên không thể can dự”.
ThS Vũ Toản cũng cho rằng bên cạnh sự lựa chọn mang tính cá nhân, người dân còn kỳ vọng đối với các cơ quan chức năng. Sự phân công lao động theo chức năng xã hội trong đô thị cũng là một trong những nhân tố khiến người dân “nhường” trách nhiệm cứu giúp người bị nạn sang các cơ quan chuyên trách.
Cùng quan điểm, ThS Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học và Công tác xã hội - Trường ĐH Mở TPHCM, cho rằng thiết chế xã hội cũng là một trong những nguyên nhân “đẩy” người dân vào cách sống “vô cảm”. Sự phiền hà trong các “thủ tục” cứu giúp người bị nạn như quá trình khai báo, làm chứng… khiến cuộc sống của người giúp đỡ gặp nhiều phiền toái, mất thời gian.
Chính vì thế, trong lối sống đô thị gấp rút và đầy áp lực, người ta dần nảy sinh tâm lý e ngại. “Do lối sống đô thị mang nhiều dấu ấn cá nhân nên khi người ta cảm thấy bất lợi cho mình, người ta sẽ né tránh. Đó là lối sống thời công nghiệp. Nếu chuyện giúp đỡ mang đến phiền phức, người dân sẽ ngại. Ngại sự rắc rối. Ngại “trả giá” nhiều” - ThS Lê Minh Tiến phân tích.
Phải tạo điều kiện để người dân thể hiện lòng tốt
Theo ThS Lê Minh Tiến, để hạn chế sự thờ ơ, vô cảm trước người gặp nạn, thiết chế xã hội nên tạo một môi trường để người dân có thể thực hiện hành vi mang tính tương giao mà không phải trả giá quá nhiều, hạn chế những rắc rối phát sinh cho bản thân người giúp đỡ. Nhà nước nên cấu trúc lại cách vận hành khi trợ giúp nạn nhân, tạo điều kiện cho người giúp đỡ người bị nạn gặp nhiều thuận lợi hơn.
“Cuộc sống đô thị cuốn người ta chạy theo nên những gì không liên quan đến lợi ích của mình, người ta ít khi nào dừng lại, bớt chút thời gian để giúp đỡ. Do đó, ở đô thị phải thiết kế những cơ chế khác, tạo những điều kiện phù hợp để người dân có thể thể hiện lòng tốt của mình.
Điển hình như việc thiết lập những đường dây nóng để người dân có thể gọi đến báo tin khi gặp phải các trường hợp tai nạn như cướp giật, tai nạn giao thông, bạo hành… Tùy mỗi trường hợp, người dân có thể gọi đến một số điện thoại gắn với các cơ quan chức năng chuyên trách” - ThS Lê Minh Tiến nói.
Trong khi đó, ThS Vũ Toản cho rằng xã hội cần phải có những thiết chế chuyên nghiệp bảo vệ an ninh trật tự cho người dân. Không những thế, các cơ quan chức năng phải kiến tạo, nâng cao niềm tin của người dân dành cho các tổ chức xã hội.
Nhà nước cũng cần phải tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân, nâng cao dân trí, các chuẩn mực, giá trị xã hội, giá trị truyền thống. Điều này cần phải bảo đảm tính đồng bộ và hệ thống trên tất cả các lĩnh vực.
Chưa quy được trách nhiệm Theo luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TPHCM, điều 102 Bộ Luật Hình sự quy định: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Luật có quy định nhưng cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa xử lý trường hợp nào, mặc dù thực tế có xảy ra. Để luật đi vào đời sống, theo luật sư Hải, các nhà làm luật cần ban hành văn bản dưới luật giải thích, hướng dẫn cụ thể thế nào là “có điều kiện mà không cứu giúp”, thế nào được xem là không “có điều kiện” cứu giúp. Trường hợp có chứng cứ và chứng cứ phù hợp với thực tế khách quan thì cho dù nghi can có chối tội, cơ quan công an cũng phải điều tra, làm rõ để xử lý. |
Theo Nam Bình
Người lao động