Vĩnh Phúc yêu cầu kiểm soát chặt việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc
(Dân trí) - Một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Một số doanh nghiệp cố tình chây ì trong trích nộp bảo hiểm; địa chỉ làm việc thường xuyên thay đổi…
Ngày 7/8, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, UBND các huyện, thành phố tăng kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Vĩnh Phúc yêu cầu đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chống các biểu hiện lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội và phải kiểm soát chặt việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc, giả mạo hồ sơ.
Theo báo cáo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc, nền kinh tế tiếp tục đối mặt những khó khăn, thách thức. Tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ còn gặp nhiều khó khăn, làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm thời thu hẹp quy mô sản xuất. Nhiều người lao động phải nghỉ việc dài ngày, mất việc làm.
6 tháng đầu năm, số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp toàn tỉnh Vĩnh Phúc trên 2.315 tỷ đồng, đạt 47,4% kế hoạch Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao (tăng trên 267 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022). Tuy nhiên, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gần 150 tỷ đồng.
"Một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Một số doanh nghiệp cố tình chây ì trong trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên việc thu hồi tiền chậm đóng rất khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động", cơ quan này nhận định.
Còn có chủ doanh nghiệp bỏ trốn, địa chỉ làm việc thường xuyên thay đổi gây rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận để đôn đốc thu và thu hồi tiền chậm đóng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tập trung thanh tra chuyên ngành, đột xuất nhằm phát hiện vi phạm, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Từ đó giảm nợ đọng, phát triển người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc cho thấy, địa phương này có 5.681 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (tăng 382 đơn vị so với cùng kỳ năm 2022).
Tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cao nhất gần 30 triệu đồng/tháng; thấp nhất 1,49 triệu đồng/tháng.