Vĩnh Phúc phát triển ra sao từ khi ông Lê Duy Thành làm Chủ tịch tỉnh?
(Dân trí) - Thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhận trên 53% phiếu tín nhiệm thấp thu hút sự chú ý của dư luận. Vĩnh Phúc đã phát triển ra sao từ khi ông Thành làm Chủ tịch tỉnh này?
Ông Lê Duy Thành bắt đầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc từ tháng 10/2020. Tính từ đó đến nay, trong hơn 3 năm, tỉnh Vĩnh Phúc phát triển ra sao?
Trong bài phát biểu trước toàn thể đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc sáng 14/12 vừa qua, ông Lê Duy Thành cho biết Vĩnh Phúc là một trong 30 tỉnh không đạt dự toán thu ngân sách năm 2023.
Dù vậy, Vĩnh Phúc là một trong 8 tỉnh có số thu ngân sách cao nhất; cơ cấu thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm trên 80% tổng thu của tỉnh. Nguồn thu này rất ổn định và bền vững.
"Tỉnh Vĩnh Phúc vẫn giữ được một vị thế của một tỉnh phát triển. Trong đó có 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt", ông Thành cho hay.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Vĩnh Phúc, an sinh xã hội được chi và tăng rất cao. Năm 2022-2023, tổng chi sự nghiệp liên quan đến an sinh xã hội có mức tăng rõ rệt từ 9.108 tỷ đồng năm 2022 lên 11.797 tỷ đồng năm 2023. Đặc biệt, chi cho văn hóa năm 2023 đã tăng gấp đôi năm 2022, từ 390 tỷ đồng lên 656 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt 31.218 tỷ đồng.
"Việc đạt được số thu ngân sách nội địa cao trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động là nhờ UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh tập trung phân tích, rà soát, xác định các nguồn thu có tiềm năng để tăng cường các biện pháp khai thác, tăng thu cho ngân sách Nhà nước", thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay.
Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc cho thấy, đến ngày 15/11, toàn tỉnh đã thu hút được 29 dự án DDI (13 dự án cấp mới, 16 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 21,28 nghìn tỷ đồng, tăng 74,15%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 70 dự án FDI (26 dự án cấp mới, 44 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 583,32 triệu USD, tăng 83,45% so với cùng kỳ.
Trước đó, năm 2022, theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt mức tăng khá, ước tăng 9,54% so với năm trước, cao nhất trong giai đoạn 2014-2022 và đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng (thấp hơn tốc độ tăng của Hưng Yên 13,41%; Hải Phòng 12,32%; Hà Nam 10,82%; Quảng Ninh 10,28%) và thứ 17 cả nước về tốc độ tăng GRDP.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 0,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,41%, khu vực dịch vụ tăng 9,61%.
Trong công nghiệp, ngành sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn tiếp tục duy trì mức tăng khá. Ngành sản xuất ô tô mặc dù gặp khó khăn trong quý III do tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn trên toàn cầu nhưng sang quý IV/2022, tình hình được khắc phục, cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm đã sôi động hơn do nhu cầu tiêu thụ tăng cao dịp cuối năm.
Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 ước đạt 153,12 nghìn tỷ đồng, tăng 15,78 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 11,49% so với năm 2021. Quy mô kinh tế của Vĩnh Phúc đứng thứ 6 Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 14 cả nước.
Năm 2021, Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Vĩnh Phúc đạt mức tăng trưởng tốt, tăng 8,02% so với năm 2020, đứng thứ 9 cả nước.
Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 ước đạt 136,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10,2% so với năm 2020. Giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,27 triệu đồng/người, tăng 8,8 triệu đồng/người.
Trong năm 2021, các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư tiếp tục được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, tăng cường đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong kỳ, tỉnh đã tiếp đón và làm việc trực tiếp, online trực tuyến với các đoàn, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn đầu tư nước ngoài.
Địa phương cũng duy trì thường xuyên chương trình "Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc gặp gỡ với doanh nhân hằng tuần", nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến tham vấn, đề xuất của doanh nghiệp về những cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư…
Kết quả phiếu tín nhiệm của lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc
Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh Vĩnh Phúc bầu khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 19 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 40,43% tổng số phiếu), 2 phiếu tín nhiệm (4,26%) và 25 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 53,19% tổng số phiếu).
Ông Vũ Việt Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 35 phiếu tín nhiệm cao, 9 phiếu tín nhiệm và 3 phiếu tín nhiệm thấp.
Ông Nguyễn Văn Khước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 32 phiếu tín nhiệm cao, 12 phiếu tín nhiệm và 3 phiếu tín nhiệm thấp.
Ông Vũ Chí Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 29 phiếu tín nhiệm cao, 15 phiếu tín nhiệm và 3 phiếu tín nhiệm thấp.
Sáng 16/12, một lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 28 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh Vĩnh Phúc bầu "gây bất ngờ" với những người tham dự kỳ họp thứ 13 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra từ ngày 13/12 đến sáng ngày 15/12.
Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu, ngày 13/12, hai cơ quan nội chính của tỉnh Vĩnh Phúc đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xem xét lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm vì cho rằng có nhiều dấu hiệu bất thường, thiếu minh bạch.
Phát biểu kết thúc kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc sáng 15/12, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, sau 2,5 ngày làm việc tập trung, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.