Chủ tịch Vĩnh Phúc hơn 53% phiếu tín nhiệm thấp: Có dấu hiệu bất thường?
(Dân trí) - Kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 28 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh Vĩnh Phúc bầu "gây bất ngờ"; đã có 2 văn bản đề nghị xem xét lại kết quả vì cho rằng có dấu hiệu bất thường.
Sáng 16/12, một lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 28 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh Vĩnh Phúc bầu "gây bất ngờ" với những người tham dự kỳ họp thứ 13 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra từ ngày 13/12 đến sáng ngày 15/12.
Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu, ngày 13/12, hai cơ quan nội chính của tỉnh Vĩnh Phúc đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xem xét lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm vì cho rằng có nhiều dấu hiệu bất thường, thiếu minh bạch.
Đề nghị đó được đưa ra do ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 19 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 40,43% tổng số phiếu bầu), 2 phiếu tín nhiệm (chiếm 4,26%) và 25 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 53,19% tổng số phiếu bầu).
Đến nay, ông Lê Duy Thành là Chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên trên cả nước nhận trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp.
Ông Lê Duy Thành sinh năm 1969 ở xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông có trình độ tiến sĩ kinh tế.
Tháng 10/2020, khi đang làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Thành được giới thiệu và bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh với 100% (47/47) số phiếu đồng ý.
Trước đó, ông giữ các chức vụ Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Bí thư Huyện ủy Lập Thạch, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong đợt lấy phiếu tín nhiệm năm 2018, ông Lê Duy Thành lúc đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đứng ở top giữa, với 33 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 67,3%), 9 tín nhiệm (chiếm 18,3%) và 6 tín nhiệm thấp (chiếm 12,2%).
Không như các địa phương khác trên cả nước công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm ngay trong ngày tổ chức, đến chiều qua 15/12, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc mới công khai Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh Vĩnh Phúc bầu khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Nghị quyết được Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan ký ban hành ngày 13/12 và được ban hành căn cứ trên Biên bản kiểm phiếu kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh Vĩnh Phúc bầu ngày 13/12.
Nghị quyết cũng nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tổ chức dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định.
Phát biểu bế mạc kỳ họp sáng 15/12, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, kỳ họp đã thành công tốt đẹp nhờ sự quan tâm của các cơ quan trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan liên quan.
Các đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã biểu quyết thông qua 33 nghị quyết quan trọng. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động tổ chức triển khai, bảo đảm các nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt được hiệu quả thiết thực.
Theo thông tin từ HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, sắp tới sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm nêu trên. Việc thực hiện được dựa vào Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Điều 12 Nghị quyết 96/2023 quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, nêu rõ: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Nghị quyết 96/2023 nêu rõ, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức.
Trường hợp không xin từ chức thì Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất (với hai mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm).
"Nội dung của Nghị quyết 96 đã được Vĩnh Phúc tập huấn để thực hiện từ tháng 6 năm nay rồi", vị cán bộ HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay.
Kết quả lấy phiếu của lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh Vĩnh Phúc
28 người được lấy phiếu tín nhiệm ở Vĩnh Phúc có 5 người thuộc khối HĐND tỉnh và 23 người thuộc khối UBND tỉnh.
Kết quả vừa được công bố cho thấy, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc (Bí thư Tỉnh ủy), nhận được 46 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 97,87% tổng số phiếu) và 1 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 2,13%).
Ông Nguyễn Trung Hải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 33 phiếu tín nhiệm cao, 8 phiếu tín nhiệm và 6 phiếu tín nhiệm thấp (12,77% tổng số phiếu).
Ông Phạm Quang Nguyên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 44 phiếu tín nhiệm cao và 3 phiếu tín nhiệm.
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 19 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 40,43% tổng số phiếu), 2 phiếu tín nhiệm (4,26%) và 25 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 53,19% tổng số phiếu).
Ông Vũ Việt Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 35 phiếu tín nhiệm cao, 9 phiếu tín nhiệm và 3 phiếu tín nhiệm thấp.
Ông Nguyễn Văn Khước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 32 phiếu tín nhiệm cao, 12 phiếu tín nhiệm và 3 phiếu tín nhiệm thấp.
Ông Vũ Chí Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 29 phiếu tín nhiệm cao, 15 phiếu tín nhiệm và 3 phiếu tín nhiệm thấp.