Vĩnh Phúc: 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường đạt, vượt kế hoạch

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, 14/15 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, môi trường đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Mới đây, dưới sự chủ trì của ông Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã họp, cho ý kiến vào một số báo cáo, tờ trình chuẩn bị trình kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh và quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, 14/15 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, môi trường đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Ước GRDP cả năm của tỉnh Vĩnh Phúc tăng 7,5-7,8% so với năm 2023, cao hơn bình quân chung của cả nước (6,8-7%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 7,5-8,5%); quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành ước đạt khoảng 172.000-173.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.000 tỷ đồng, tương đương tăng 8,8-9,3% so với năm 2023.

Vĩnh Phúc: 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường đạt, vượt kế hoạch - 1

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Đức Hiền).

Giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 140 triệu đồng/năm, tăng 7,5-8%, tương đương tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2023; tổng vốn đầu tư FDI thu hút ước đạt 600 triệu USD, bằng 150% kế hoạch, tương đương với năm 2023; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt gần 30.500 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt trên 25.000 tỷ đồng.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh Vĩnh Phúc cả năm ước đạt 95% so với kế hoạch vốn được giao. Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 200 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 13 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới thông minh, 42 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 1 huyện đạt nông thôn mới nâng cao.

Năm 2024 là năm thứ hai liên tiếp Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,44%, giảm 0,175% so với năm 2023…

Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 8-9% so với năm 2024; tổng thu ngân sách phấn đấu đạt trên 27.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt trên 22.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư đạt 600 triệu USD vốn FDI và 3.000 tỷ đồng vốn DDI; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,3%...

Vĩnh Phúc: 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường đạt, vượt kế hoạch - 2

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu kết luận tại hội nghị (Ảnh: Đức Hiền).

Các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho rằng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng với nỗ lực cố gắng và quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển khá toàn diện, tạo tiền đề để bước vào năm cuối của nhiệm kỳ 2020-2025.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, các đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần xác định rõ kịch bản tăng trưởng năm 2025 hướng tới đưa tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 2 con số; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong cải cách hành chính; chấn chỉnh thái độ làm việc của cán bộ các cấp. 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng yêu cầu cần tăng cường quản lý đô thị, yêu cầu chủ đầu tư đô thị bàn giao hạ tầng các khu đô thị cho địa phương quản lý để có kế hoạch đầu tư hạ tầng đô thị và người dân đô thị được hưởng các dịch vụ công ích; tiếp tục nghiên cứu đầu tư nhà máy xử lý rác thải.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, hoàn thiện các báo cáo trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến; trong đó, nghiên cứu các giải pháp để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2025 và của cả nhiệm kỳ.

Ông An cũng yêu cầu cần làm rõ những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; bổ sung đánh giá việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy tác động đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; bổ sung nội dung chống lãng phí trong các hoạt động quản lý Nhà nước.