1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khánh Hòa:

Vịnh Nha Trang chịu “áp lực” từ nước sông bị “đầu độc” hàng ngày

(Dân trí) - Liên quan đến tình trạng nước thải bốc mùi hôi nồng nặc, đen ngòm ở khu vực đập Đồng Láng (xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang) xả thẳng ra sông Cái đổ ra Vịnh Nha Trang, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, cho biết đã kiến nghị cơ quan chức năng xử lý tình trạng này để tránh những hệ lụy về môi trường.

Vịnh Nha Trang chịu “áp lực” từ nước sông bị “đầu độc” hàng ngày

Trước đó, từ phản ánh của người dân, PV Dân trí ghi nhận tại đập Đồng Láng nước đã chuyển màu đen, bốc mùi hôi. Nguồn nước này trực tiếp xả thẳng ra sông Cái - con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, trước khi đổ ra Vịnh Nha Trang - một trong 29 Vịnh đẹp thế giới.

Theo UBND xã Vĩnh Ngọc, con mương dẫn nước đổ ra sông Cái qua đập Đồng Láng bắt nguồn từ phường Vĩnh Hải chạy qua 2 thôn là Hòn Nghê 2 và Xuân Ngọc (xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang). Theo đó, có 2 loại nước đổ ra mương, gồm: nước sinh hoạt của người dân phường Vĩnh Hải và “nước bùn vàng” của Khu du lịch I-Resort nằm ở khu vực gần bờ sông.

Ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, cho rằng, nguyên nhân nước ở khu vực đập Đồng Láng đổ ra sông Cái có mùi hôi, màu đen là do nước sinh hoạt của người dân thải ra, tồn đọng lâu ngày. Thắc mắc nước “bùn vàng” của Khu du lịch I-Resort trước khi thải ra có qua xử lý hay không thì ông Mỹ cho biết, hiện chưa nắm rõ. Tuy nhiên, ông Mỹ giải thích: Nước bùn vàng là sau khi tắm bùn xong, du khách tắm lại bằng nước sạch nên ra nước bùn vàng. Ngoài ra, nước bùn vàng còn được hòa với nước suối nên không có vấn đề gì (?).

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Hùng, quản lý tại Khu du lịch I-Resort, cho rằng, nước chảy ra từ khu du lịch chỉ là nước mưa, nước tắm sạch sẽ, còn lẫn bùn là công trình gần đó đang thi công. Việc nước kênh màu đen, bốc mùi không liên quan đến nước của khu du lịch.

Khu vực đập Đồng Láng (xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang) nước bốc mùi hôi, đen ngòm xả thẳng ra sông Cái trước khi đổ ra Vịnh Nha Trang
Khu vực đập Đồng Láng (xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang) nước bốc mùi hôi, đen ngòm xả thẳng ra sông Cái trước khi đổ ra Vịnh Nha Trang

Liên quan đến sự việc này, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Khánh Hòa, khẳng định sẽ cho kiểm tra ngay việc xả nước thải ở khu vực đập Đồng Láng. Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh nếu đơn vị kiểm tra phát hiện có tình trạng xả “chui” thì sẽ xử lý nghiêm.

Theo nguồn tin của PV Dân trí, một báo cáo mới nhất của Viện Hải dương học Nha Trang về giám sát môi trường Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, cho biết, hiện mật độ vi khuẩn coliform và nhất là vibrio ở trầm tích có sự gia tăng cao so với năm 2015 lần lượt là 8 và 144 lần. Về môi trường nước, lượng vi khuẩn coliform đo được là 930/100ml (tiêu chuẩn nước sạch chỉ 50 con/100ml) không giảm và vibrio gây hại cho sinh vật biển là 18600/100ml tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Ngoài ra, xuất hiện nhiều tảo có khả năng gây hại, gây độc ở cửa sông Cái.

“Tình trạng gia tăng mức độ nhiễm bẩn coliform có thể liên quan tới điều kiện vệ sinh cộng đồng và nhất là gia tăng mức độ nhiễm bẩn Vibrio có thể liên quan tới hoạt động nuôi trồng thủy sản trong khu vực vịnh”, báo cáo của Viện Hải dương học Nha Trang nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ngoài nguy cơ từ nguồn nước thải ở các sông, Vịnh Nha Trang hiện nay còn bị “băm nát” bởi các dự án lấp, lấn mặt biển, đe dọa trực tiếp đến hệ sinh thái ven bờ. Mới đây nhất là dự án Công viên Văn hóa - giải trí - thể thao Nha Trang Sao (phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang) đã bị dư luận phản đối khi đổ đất lấn biển, làm ảnh hưởng đến di tích quốc gia: Danh thắng Vịnh Nha Trang với diện tích hơn 22.900 m2.

Vịnh Nha Trang - một trong 29 Vịnh đẹp thế giới đang chịu “áp lực” từ nước sông bị “đầu độc” hàng ngày
Vịnh Nha Trang - một trong 29 Vịnh đẹp thế giới đang chịu “áp lực” từ nước sông bị “đầu độc” hàng ngày

Là một người am hiểu về Vịnh Nha Trang, ông Trương Kỉnh, nguyên Trưởng ban quản lý Vịnh này, từng chia sẻ: “Vịnh Nha Trang phải có một người chủ thực sự, phải có trách nhiệm, có quyền hạn, công cụ, phương tiện để làm việc bảo vệ”. Bảo tồn và phát triển phải đi đôi với nhau, phải gắn liền với nhau, mà theo tôi phải lấy bảo tồn là chính. Nếu phát triển mà không dựa trên cơ sở bảo tồn thì chắc chắc sau một khoảng thời gian không còn gì để bảo tồn”.

Được biết, Vịnh Nha Trang là danh thắng quốc gia, một trong 29 Vịnh đẹp thế giới, rộng chừng 500km2 với 19 đảo và tương đối kín gió. Môi trường biển ở Vịnh Nha Trang được các nhà khoa học đánh giá là quan trọng mang tầm cỡ quốc tế. Ở đây có các hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn và cỏ biển, với khoảng 350 loài san hô và 230 loài cá. Khu bảo tồn biển đầu tiên ở nước ta được thiết lập tại khu vực đảo Hòn Mun, thuộc Vịnh Nha Trang.

Viết Hảo