1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vịnh Hạ Long: Ai bảo vệ du khách?

(Dân trí) - Không ai phủ nhận được vẻ đẹp mê hồn mà tạo hóa ban tặng cho kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Nhưng với cách quản lý và khai thác kỳ quan như hiện nay, chắc chắc nhiều du khách sẽ... một đi không trở lại!

“Cò vé” lộng hành ngay tại Cảng tàu

Vào thời điểm đầu tháng 10, lượng du khách đổ về tham quan Vịnh Hạ Long tuy không đông đúc như mùa hè nhưng cũng khá nhộn nhịp. Theo thông tin từ Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy, mỗi ngày có khoảng 4.000 đến 5.000 du khách đến Cảng mua vé tham quan Vịnh, trong đó khoảng 60-70% là du khách nước ngoài.

Trong vai một du khách muốn tham quan Vịnh Hạ Long bằng tàu gỗ du lịch đặc trưng tại Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy, PV Dân trí có mặt tại Cảng tàu khách vào đầu giờ buổi sáng. Từng đoàn xe khách cỡ lớn chở du khách nườm nượp đổ về bến. Vừa dừng xe, một nhóm những người phụ nữ và đàn ông đã chạy ào ào đến chỗ chúng tôi “tiếp thị” vé tàu và vé tham quan Vịnh.

Cò vé áp sát một chiếc xe vừa vào Cảng tàu.
"Cò vé" áp sát một chiếc xe vừa vào Cảng tàu.

Không để cho chúng tôi kịp trả lời, các “cò vé” đua nhau giới thiệu tàu, chào mời và lôi kéo những người khách về phía mình. Để đảm bảo, nhiều người đưa ra cả card visit chứng minh là người nhà tàu. Mặc cho khu dừng đỗ tại sân Cảng tàu khách du lịch khá nhỏ và xe chở khách liên tục đổ về bến nhưng đội ngũ “cò vé” vẫn tranh nhau luồn lách, băng ngang qua sân mỗi khi thấy một đoàn khách xuất hiện.

Dù chúng tôi đã từ chối nhưng các “cò vé” vẫn nhất quyết bám theo, không buông tha. Điều lạ là đội ngũ “cò vé” bám đuổi các du khách và chèo kéo khá thoải mái tại sân cảng tàu mà không hề gặp phải sự phản ứng của đội ngũ bảo vệ và giữ an ninh trật tự tại đây. Thậm chí khi không chèo kéo được du khách, họ trở về tập trung thành một nhóm khá đông ngay bên cạnh bốt của lực lượng bảo vệ.

Với du khách Việt, việc từ chối đội ngũ “cò vé” đã mệt mỏi; với du khách nước ngoài còn phiền toái và mất thiện cảm hơn. Họ chỉ có thể tỏ thái độ bực mình bằng những cái lắc đầu và xua tay song rất khó để có thể “cắt đuôi” hoàn toàn đội “cò vé” đông đảo này.

Loa phát thanh vẫn liên tục đọc hướng dẫn và cảnh báo du khách mua vé tại điểm bán vé của Cảng, không mua vé của “cò mồi”, tuy nhiên trước “vòng vây” của các cò vé, nhiều du khách đành “tặc lưỡi” đồng ý để tránh phiền phức. Nhất là những du khách lần đầu tiên đến Vịnh chưa kịp hiểu quy trình mua vé như thế nào.

Khu vực tập kết của cáccò vé trong sân Cảng tàu.
Khu vực "tập kết" của các "cò vé" trong sân Cảng tàu.

Theo tìm hiểu, giá vé của các “cò” ngày thường cao hơn mức giá quy định không đáng kể, nhưng vào các dịp lễ tết, ngày nghỉ, ngày đông khách, giá có thể “đội” lên gấp rưỡi, gấp đôi quy định. Mức vé này đã được quy định ngầm giữa các “cò” và dĩ nhiên người chịu thiệt chính là du khách.

Khu vực tập kết của cáccò vé trong sân Cảng tàu.
Khu vực tập kết của cáccò vé trong sân Cảng tàu.
Vé tham quan thắng cảnh Vịnh Hạ Long và vé tàu được bán đúng giá quy định tại các điểm bán vé của Cảng tàu.

Khu vực bán vé và tư vấn của Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy có cả điểm trong tòa nhà trụ sở và điểm tại bốt khu sân Cảng. Tại đây, du khách được bán vé theo giá đúng quy định. Tuy nhiên, chính đội ngũ “cò vé” dày đặc tại sân Cảng tàu với những giao dịch ngoài luồng nhiễu loạn đã khiến các điểm bán vé chính thức nhiều khi trở nên mờ nhạt, không đến được với tất cả du khách.

Áp sát chèo kéo du khách giữa lòng Vịnh

Khi du khách đã lên tàu ra vịnh, tưởng đã thoát khỏi cảnh xô bồ, bon chen ở đất liền giữa biển-núi-trời mây đẹp như trong tranh. Nhưng ngay lúc này, du khách lại bị làm phiền bởi những thuyền bán hàng rong áp sát tàu mời chào mua hàng.

Thuyền bán hàng rong áp sát tàu chở khách trên Vịnh Hạ Long.
Thuyền bán hàng rong áp sát tàu chở khách trên Vịnh Hạ Long.

Một lực lượng “hùng hậu” các tàu gỗ nhỏ, các ca nô, thuyền máy... bán hàng rong, hải sản áp sát các tàu du lịch. Một chiếc tàu “du kích” nhỏ chạy lướt qua các tàu du lịch, người bán hàng rong trên tàu đã buông vài câu “test thử” bằng tiếng Việt. Nếu du khách trên tàu từ chối bằng tiếng Việt, chiếc tàu nhỏ kia sẽ thờ ơ giãn ra xa. Nếu trên tàu có tiếng từ chối của du khách nước ngoài, lập tức các tàu hàng rong... áp sát bám riết.

Ban đầu những người bán hàng rong còn tỏ ra lịch sự khi chỉ giơ cao mặt hàng chào mời. Thấy có vẻ không hiệu quả, họ liễu lĩnh lao vào áp tàu nhỏ dính chặt lấy tàu du lịch đang chạy rồi “phi thân” bám lên tàu, chui hẳn qua cửa sổ vào thân tàu hoặc đứng chênh vênh bên mạn tàu du lịch. Cùng lúc đó, một đội các tàu “du kích” khác lao đến chặn 3, 4 mặt tàu. Cứ thế, người giơ mặt hàng, người bám lên tàu khách “tiếp thị” khiến du khách... tá hỏa.

Thuyền bán hàng rong áp sát tàu chở khách trên Vịnh Hạ Long.
Biển cấm chỉ là... biển cấm!

Cảnh tượng "kinh hãi" ấy diễn ra công khai ngay giữa lòng Vịnh Hạ Long. Những chiếc tàu “du kích” chở đầy hoa quả, hải sản, nước ngọt... cứ đeo bám như thế cho tới khi đạt được mục đích bán hàng mới thôi. Tháng 6/2012, Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã chính thức ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch, trong đó có việc ngăn chặn các vấn nạn đeo bám, chèo kéo, chặt chém du khách… Nhưng cho đến nay, hiệu quả của việc thực hiện chỉ thị này vẫn còn là một dấu hỏi lớn!

Mới đây vào ngày 18/9, ông Phạm Văn Thương - Thuyền trưởng tàu Du lịch QN 2998 vận chuyển gần 40 khách du lịch tham quan Vịnh - đã bị một đối tượng lái đò bán hàng rong đánh bị thương khi ông Thương không cho đối tượng này lên tàu chèo kéo du khách. Cùng chịu chung tình cảnh trên, trước đó nhiều đội tàu chở khách du lịch cũng thường xuyên bị “tra tấn” bằng chai lọ vì "cả gan" ngăn cản việc làm ăn của đội ngũ bán rong trên vịnh.

Thuyền bán hàng rong áp sát tàu chở khách trên Vịnh Hạ Long.
Cảnh tượng một chiếc tàu chở khách bị "bủa vây" vẫn thường thấy trên Vịnh Hạ Long

Về sự việc, ông Hà Hồng Chương - Cảng phó Cảng tàu du lịch Bãi Cháy (Quảng Ninh) - cho rằng: “Các tàu hoạt động ở cảng là các tàu tư nhân, tàu cá thể của các hộ kinh doanh nên việc họ tự liên hệ, tự kết nối với khách trên sân Cảng là rất khó kiểm soát”.

Trước vấn nạn “cò vé” tại sân Cảng, ông Chương cho rằng Cảng đã có trách nhiệm liên tục gọi loa hướng dẫn, cảnh báo du khách chứ không thể đủ lực lượng, nhân viên hướng dẫn cho từng du khách được. Nạn “cò vé” phải được hạn chế dần dần và có lộ trình chứ không thể làm ngay.

Cũng theo giãi bày của ông Chương thì việc Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy sạch nạn “cò vé”, du khách thực hiện mua vé tại điểm bán của Cảng một cách chuyên nghiệp đang còn là... ước mơ.

Với cách trả lời của cán bộ Cảng tàu du lịch Bãi Cháy, có thể hiểu rằng du khách đến với Vịnh Hạ Long, xin hãy tự bảo vệ lấy mình!?

Anh Thế - Quốc Đô