1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vĩnh biệt nhà báo Trần Lâm

Trái tim lớn từ tháng Tám năm 1945 cho đến hơi thở cuối cùng vẫn hòa nhịp cùng cánh sóng phát thanh và truyền hình, đã ngưng đập.

Vĩnh biệt nhà báo Trần Lâm - 1
Nhà báo Trần Lâm - Tổng Biên tập đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam
 
Vậy là nhà báo cách mạng lão thành, người đặt nền móng, nhà lãnh đạo đầu tiên và lâu năm nhất của Đài Phát thanh Quốc gia, đã ra đi.

Đồng chí Trần Lâm (tên khai sinh là Trần Quảng Vận), cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình, là người có nhiều cống hiến to lớn, nếu không nói là to lớn nhất cho hai ngành này ở nước ta.

Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như Đài Truyền hình Việt Nam ngày nay là hai cơ quan truyền thông hùng hậu và hiện đại hàng đầu của đất nước và khu vực. Ngày ngày, hàng chục, hàng trăm triệu người trong nước và trên thế giới tiếp nhận thông tin từ hai đài quốc gia, tuy nhiên không nhiều lắm số người hiểu rõ những ai đã đặt nền móng cho hai cơ quan ấy, bởi vì họ, trước hết là Trần Lâm - mà nay hầu như đều đã trở thành người thiên cổ - sinh thời đều hết mực khiêm nhường.

Việc Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng chỉ 5 hôm sau ngày nước Việt Nam Tuyên ngôn Độc lập là một trong những sự kiện lớn của đất nước ta, trở thành hiện thực xuất phát từ trí tuệ và tầm nhìn Hồ Chí Minh. Ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền thành công tại thủ đô, 19/8/1945, đồng chí Xuân Thủy truyền đạt ý kiến của Bác Hồ: “Việc hết sức quan trọng là phải lập ra ngay một đài phát thanh”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhớ lại, Bác Hồ vừa từ Tân Trào về tới Hà Nội, viết Tuyên ngôn Độc lập tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Bác chỉ thị: “Phải xây dựng ngay Đài Phát thanh Quốc gia”.

Một nhóm ba thanh niên được chọn giao nhiệm vụ. Trần Lâm là người chịu trách nhiệm chính. Cùng mươi đồng chí, bạn bè, ông đã chủ trì cuộc họp quyết định ba việc quan trọng: Đài phát thanh sẽ mang tên của đất nước: Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài sẽ phát sóng chương trình đầu tiên ngày 7/9/1945; và Lời xướng ngắn gọn của Đài phải nói lên được ý chí, tự hào và thực tiễn quốc gia.

Lời xướng ấy là: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Lời xướng trang trọng qua bao năm tháng vẫn y nguyên, cho đến nay chỉ một lần duy nhất thay đổi mấy từ cho phù hợp với quốc hiệu: từ Việt Nam dân chủ cộng hòa đổi thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kể sao cho hết công lao các bậc tiền bối mà con chim đầu đàn là Trần Lâm, trong việc đặt nền móng, đào tạo cán bộ, xây dựng nền nếp, tạo lập thanh thế, hình thành truyền thống tốt đẹp của ngành phát thanh - truyền hình Việt Nam, những cống hiến không ồn ào mà thời gian càng lùi xa về quá khứ càng thêm ngời sáng. Dưới sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Trần Lâm, ngành Phát thanh và Truyền hình nước ta đã vượt lên mọi gian truân, đi từ không đến có.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã cho Đài Phát thanh di chuyển địa điểm 14 lần, bởi trong mắt đối phương, Đài luôn là một mục tiêu tìm diệt. Thời chống Mỹ cứu nước, khu bá âm của đài bị máy bay oanh tạc hụt, rồi đến lượt đài phát sóng và cũng như khu cư xá của đài hứng chịu bom rải thảm B52. Mặc dù vậy, Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói của Tổ quốc chỉ nghẹn lại mỗi một lần, trong vòng mấy phút, để ngay sau đó dõng dạc vang lên, bởi dưới sự chỉ đạo của Trần Lâm Đài đã chuẩn bị sẵn cơ sở dự phòng.

Đồng chí Trần Lâm là người chăm lo xây dựng Đài Phát thanh Giải phóng, là người chủ trì thành lập Đài Truyền hình Việt Nam ngay khi đất nước ta còn bị bốn bề phong tỏa. Làn sóng phát thanh là một kênh thông tin chủ chốt và là tiếng kèn cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước Đại Phong, Duyên Hải, Thành Công, Ba Nhất thời miền Bắc xây dựng những cơ sở đầu tiên của chủ nghĩa xã hội, rồi tiếp ngay sau đó, các phong trào Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, Tay cày tay súng, Tiếng hát át tiếng bom, Xe chưa qua, nhà không tiếc…  Dưới sự điều hành của đồng chí Trần Lâm, Đài Phát thanh mang lời của Tổ quốc đến với những đơn vị chiến đấu xa xôi nhất vùng giải phóng hoặc âm thầm hoạt động trong lòng các thành thị miền Nam. Đài là tiếng nói chính nghĩa truyền đạt ý chí của dân tộc Việt Nam với bạn bè năm châu bốn biển.

Đài Truyền hình từ những bước chập chững đầu tiên đã cùng với sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo lớn vụt lên, trở thành cơ quan truyền thông, văn hóa, giao lưu, đối ngoại bề thế. Nói sao cho hết tấm lòng các thế hệ làm việc ở ngành phát thanh truyền hình, cũng như cảm tình nồng hậu mà thính giả, khán giả trong nước và nước ngoài dành cho hai đài quốc gia, qua đó trước hết là dành cho cây đại thụ, nhà lãnh đạo Trần Lâm.

Nhà báo cách mạng Trần Lâm sinh thời là con người khiêm nhường, có nếp sống hết sức giản dị. Năm 1988, để ông được nghỉ hưu sau 43 năm liên tục làm việc, cấp trên cho tôi về tiếp nhận công việc, cùng anh chị em nhà đài kế tục sự nghiệp ông lưu lại.

Nhân dịp này, ông được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng hai (trước đó ông đã có Huân chương Độc lập hạng ba). Tôi đề nghị tổ chức cuộc họp trọng thể, mời một vị lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ đến trực tiếp trao tặng ông tấm huân chương cao quý. Ông nói: “Thôi anh à, ta nên làm đơn giản. Chủ tịch nước đã ký quyết định. Giờ chỉ cần triệu tập một số cốt cán của Đài, tại cuộc họp anh đứng ra thay mặt lãnh đạo và toàn thể anh chị em nhà Đài trao huân chương cho tôi là được, khỏi phiền đến cấp trên”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông còn nói vui: “Đối với tôi, việc dễ dàng nhất là khai lý lịch cá nhân. Cả đời, từ năm 1945 cho đến nay, ở mục Công tác, tôi chỉ có hai từ: Phát thanh”. Thay mặt anh chị em, tôi đáp: “Vâng, thưa anh Trần Lâm, anh chỉ có hai từ cho cả cuộc đời oanh liệt. Hai từ ấy xuyên qua nửa thế kỷ oai hùng của dân tộc, tự chúng đã trở thành cái đài kỷ niệm sừng sửng, mãi mãi tồn tại với thời gian”.

Trong giờ phút này, xin kính cẩn cúi đầu vĩnh biệt người cán bộ gương mẫu, người anh lớn của Ngành Phát thanh Truyền hình Việt Nam, nhà báo cách mạng lão thành Trần Lâm./.

Phan Quang

 Vovnews

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm