1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đắk Lắk:

Vĩnh biệt già làng Amah-rin huyền thoại của Tây Nguyên

(Dân trí) - Đó là già làng Amah-rin ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) - người được coi là cả đời tâm huyết gìn giữ văn hóa Ê-đê, một già làng nổi tiếng ở Tây Nguyên.

Già làng Amah-rin là người khai sinh ra buôn Akô Dhông từ cuối thập niên 50 thế kỷ trước - một buôn cổ của người Ê-đê nằm giữa lòng trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Mặc dù buôn làng tọa lạc giữa lòng thành phố, nhưng nét văn hóa của người đồng bào Ê-đê ở đây hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Buôn Akô Dhông có hàng chục ngôi nhà dài nằm san sát từ đầu buôn đến cuối buôn, còn gìn giữ được cồng chiêng, nếp uống rượu cần, bến nước ở đầu nguồn…

Ngôi nhà dài cùa già làng Amah-rin
Ngôi nhà dài cùa già làng Amah-rin buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Nhắc đến già làng Amah-rin người ta thường nhắc đến cách làm đầy tâm huyết của ông để gìn giữ nếp nhà dài truyền thống của người đồng bào Ê-đê. Già làng Amah-rin đã bàn với chính quyền địa phương họp dân, thống nhất quy định đồng ý cho người dân buôn Akô Dhông làm nhà xây theo kiến trúc nhà kiên cố của người Kinh, nhưng phải làm phía sau lưng ngôi nhà dài truyền thống. Ai không tuân thủ thì bị buôn làng xử phạt, cho dỡ bỏ. Với quy định này, người dân buôn Akô Dhông ai cũng chấp hành, cho nên đã góp phần to lớn vào việc gìn giữ ngôi nhà dài truyền thống của người Ê-đê ở buôn Akô Dhông.

Mới đây Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk đã chọn buôn Akô Dhông là một trong những buôn điển hình tại Đắk Lắk để gìn giữ ngôi nhà dài truyền thống, đưa nhà dài vào phát triển du lịch như là cách làm “dài hơi” trước nguy cơ số lượng nhà dài ở các buôn làng Tây Nguyên bị sụt giảm.

Với tâm huyết gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người đồng bào mình, già Amah-rin là nhân vật được giới nghiên cứu văn hóa, nhân sĩ, trí thức… ở Tây Nguyên, cả nước biết đến rộng rãi. Tên tuổi của ông được nhắc đến thường xuyên trong các sách vở, tài liệu khi đề cập đến văn hóa Tây Nguyên, văn hóa của người đồng bào Ê-đê.

Già làng Amah-rin cũng được biết đến là người thông minh, học vấn cao và từng đi đến nước trên thế giới. Từ những chuyến đi này ông đã học hỏi nhiều điều mới mẻ, tiên tiến từ bên ngoài. Qua những chuyến đi này ông thấy yêu văn hóa của đồng bào mình hơn, càng quyết tâm gìn giữ. Hiện nay ở buôn Akô Dhông, trong ngôi nhà dài truyền thống hàng chục mét của già làng Amah-rin có rất nhiều chiêng, ché, rượu cần, ghế Kpan…

Nhiều vòng hoa của người dân buôn
Nhiều vòng hoa của người dân buôn Akô Dhông và các cơ quan tỉnh Đắk Lắk thăm viếng, chia buồn cùng gia đình.

Điều đặc biệt, có tài liệu ghi rằng già làng Amah-rin là người Ê-đê đầu tiên biết trồng cây cà phê. Loài cây công nghiệp này hiện nay đã đem lại giá trị kinh tế to lớn, góp phần thay đổi bộ mặt của các buôn làng Tây Nguyên. Để đưa được cây cà phê về cho đồng bào mình, già làng Amah-rin đã đi vào các đồn điền của người Pháp học cách trồng cà phê, sau đó đem vốn liếng học được bày lại cho bà con buôn mình, tạo ra giống mới cho phù hợp thổ nhưỡng, lập đồn điền cà phê Akô Dhông đầu tiên của người Ê-đê.

Theo thông cáo từ gia đình, già làng Amah-rin tên thật là Y Diêm Niê, sinh năm 1931, quê quán ở huyện Ma Đ’rắk, tỉnh Đắk Lắk. Trong thời gian lâm bệnh, gia đình đã đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk điều trị, sau đó chuyển xuống bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Đúng vào đêm đón giáng sinh (24/12), già làng Amah-rin đã vĩnh biệt cõi trần ở tuổi 82, tại nhà riêng, trong niềm thương tiếc vô hạn của gia đình, bà con buôn Akô Dhông.

Ông Y Bliu Arul (còn gọi là Ama H’ni) con trai thứ 2 của già làng Amah-rin cho biết, thời gian từ khi cụ Amah-rin lâm bệnh đến khi mất là 4 tháng. Lễ tang của cụ Amarin được cử hành theo phong tục truyền thống của người đồng bào Ê-đê. Lễ di quan sẽ được tiến hành vào lúc 7h ngày 28/12 (nhằm ngày 16/11 năm Nhâm Thìn) từ buôn cổ Akô Dhông ra nhà thờ Chính Tòa (TP. Buôn Ma Thuột), sau đó trở về nghĩa trang buôn Akô Dhông chôn cất.

Ông Y Bliu Arul cho biết thêm, đêm 27/12, gia đình và thân quyến sẽ tổ chức đốt lửa thâu đêm và mời một đội cồng chiêng chuyên nghiệp ở tỉnh Gia Lai sang gia đình để làm lễ cho cụ Amah-rin trước khi di quan vào sáng 28/12. Già làng Amah-rin có tất cả 10 người con (4 trai, 6 gái); khoảng 20 cháu, chắt. Tuổi thơ già làng Amah-rin là người mồ côi cha, mẹ, thời thanh niên bôn ba nhiều nơi để kiếm sống.

Trong ngày 26/12, đông đảo người dân, các cơ quan của tỉnh Đắk Lắk đã đến thăm viếng, chia buồn cùng gia đình tại nhà riêng của già Amah-rin tại buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Một số hình ảnh về lễ tang của già làng huyền thoại Amah-rin của người Ê-đê:

Người dân, các cơ quan, ban ngành đến viếng linh cữu
Người dân, các cơ quan, ban ngành đến viếng linh cữu già làng Amah-rin.

Lễ tang của cụ Amah - rin được cử hành theo phong tục truyền thống của người đồng bào Ê-đê.
Lễ tang của cụ Amah - rin được cử hành theo phong tục truyền thống của người đồng bào Ê-đê.

Rượu cần được trưng ở lễ tang
 Rượu cần được trưng ở lễ tang già làng Amah-rin.

Đội cồng chiêng tại tang lễ
Đội cồng chiêng tại tang lễ già làng Amah-rin.

Đội cồng chiêng tại tang lễ
Gia đình cho biết, đêm 27/12, sẽ tổ chức đốt lửa thâu đêm và mời một đội cồng chiêng chuyên nghiệp ở tỉnh Gia Lai sang gia đình để làm lễ cho cụ Amah-rin trước khi di quan vào sáng 28/12.

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm