1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Viết về Bác đến hơi thở cuối cùng”

(Dân trí) - 25 năm trước, ở thôn Quy Hậu (Liên Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) có người cựu chiến binh vì kính yêu, nhớ thương Bác Hồ mà lặng lẽ bắt tay vào viết những câu chuyện về Bác. Giờ đây ở tuổi 79, ông vẫn tâm niệm “sẽ viết về Bác đến hơi thở cuối cùng”.

23 năm viết một cuốn sách

 

Người cựu chiến binh ấy tên là Nguyễn Duy Hưng. Tháng 4/2007, ông Hưng mới cho ra mắt bạn bè, người thân tập tài liệu “Dân ta muốn biết rõ thêm về Bác Hồ”.

 

Nói là sách thì hơi quá, nhưng tôi có ý định làm tập tài liệu này từ năm 1972 ngay sau khi rời khỏi quân ngũ. Nhưng mãi đến năm 1984 mới bắt đầu làm được. Viết lại chuyện của Bác trước hết cho chính mình đọc mà tự răn bản thân trước tấm gương của Bác, sau nữa là cho con cháu trong làng đọc để biết rõ thêm về Bác Hồ”, ông Hưng khiêm tốn nói về cuốn sách như vậy.

 

Ông Nguyễn Duy Hưng đã dày công suốt hơn hai chục năm để hoàn thành “tập tài liệu” này, từ khâu sưu tầm, nghiên cứu sách báo, tư liệu rồi đem viết ở bản thảo gốc trên vở học sinh, sau đó mới viết lại trên giấy phôtô cho đúng với tầm vóc của nội dung và cuối cùng đem đóng bìa, phôtô ra thành nhiều bản.

 



“Viết về Bác đến hơi thở cuối cùng” - 1

Tài sản quý nhất cuộc đời ông Nguyễn Duy Hưng là 2 cuốn sách viết về Bác Hồ (trên tay ông là bản thảo gốc cuốn “Dân ta muốn biết rõ thêm về Bác Hồ”)

 

Nhìn bản thảo gốc được viết một cách cẩn thận, tỉ mỉ từng dòng từng chữ, từng trang rất đẹp, không hề có một lỗi chính tả hay vết mực vây bẩn mới hiểu được sự kỳ công, chăm chút của ông Hưng trong mỗi con chữ viết về Bác Hồ.

 

Tác phẩm hoàn thành, ông Hưng đem phô tô 100 bản (mỗi bản dày 121 trang), đầu tiên đem phát cho bà con trong thôn, thứ đến biếu các đoàn thể trong và ngoài địa phương, sau đó mới gửi tới Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo TW. Đọc sách của ông, ai cũng hết lời khen ngợi. Từ Ban Tuyên giáo TW, tỉnh cho đến huyện đều gửi thư khen ngợi, động viên người cựu chiến binh già về tinh thần học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại.

 

Trong tập tài liệu của ông Nguyễn Duy Hưng, những câu chuyện về Bác Hồ được viết lại theo trình tự thời gian từ thuở ấu thơ đến lúc Người ra đi tìm đường cứu nước, trở về lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập tự chủđến khi Bác mất. Mỗi một câu chuyện đều gắn với những bài học mang nhiều giá trị sâu sắc được ông Hưng chỉ rõ cụ thể qua các thông tin, sự kiện lịch sử, chính trị, văn hoá đã xảy ra. Xen lẫn với những câu chuyện là những hình ảnh minh họa, những điểm nhấn đáng nhớ được ông Hưng gạch chân cẩn thận bên dưới để người đọc nhận xét, rút ra bài học...

 

Ông Hưng còn sưu tầm được 30 bức ảnh, tranh vẽ về gia đình, tuổi thơ của bác làm phong phú sinh động thêm nội dung và hình thức của cuốn sách. Ông liệt kê, sưu tầm chỉ rõ ra được 174 tên gọi, bút danh, bí danh rất đáng quý của Bác cho vào tập tài liệu.

 

Không chỉ viết bằng chữ Việt, ông Hưng còn tự mình trình bày thêm bằng chữ Hán, tiếng Pháp và dịch ra tiếng Việt những phần nguyên văn tiếng nước ngoài Bác đã từng sử dụng. Và không thể không kể đến những chú giải, trích dẫn một cách chính xác, khoa học các nguồn tài liệu, thông tin mà ông tìm kiếm, sưu tầm, rất đáng tin cậy và vừa lòng người đọc.

 

Viết về Bác với tất cả lòng nhớ thương và tình cảm chân thành, ông Hưng không muốn phô trương bản thân hay vì bất cứ một nguyên nhân nào khác ngoài tấm lòng biết ơn đối với Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

 

40 năm đau đáu nỗi nhớ BácHồ

 

Ông Nguyễn Duy Hưng lớn lên trong buổi đất nước ta còn nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia du kích, diệt tề rồi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng tháng 7 năm 1949. Tháng 9 năm đó, ông vào bộ đội thuộc trung đoàn 18-Bình Trị Thiên, chiến đấu trên đất bạn Lào. Năm 1955, ông được chuyển sang sư đoàn 350 bảo vệ thủ đô. Chính trong thời gian này ông đã có vinh dự hai lần được gặp mặt Bác Hồ, được cầm tay người cha già của dân tộc. Đó là lần ông tham gia trong đoàn quân bảo vệ Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản thủ đô và lần Bác gặp mặt, trò chuyện với đơn vị ông tại Quảng trường Ba Đình. Ông còn nhớ mãi bài học mà Bác căn dặn toàn thể các chỉ huy, chiến sĩ của sư đoàn 350: “bài học cảnh giác đối với viên đạn bọc đường”.

 

Năm 1969, giữa lúc đang chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên, ông đã bật khóc khi được tin Bác mất. Ngay từ giây phút đó, ông đã tâm niệm sau này mình sẽ làm một việc gì đó thật ý nghĩa để tỏ lòng thương nhớ thành kính đối với Bác. Năm 1971, do bị thương, sức khoẻ giảm sút nên ông được phục viên về hưu sống nơi quê nhà.

 

“Viết về Bác đến hơi thở cuối cùng” - 2
Cuốn “Những mu chuyện hấp dẫn và đầy xúc động của Bác Hồ (nhỏ, bên phải) cũng sắp được ra mắt

 

Tham gia hội cựu chiến binh, sinh hoạt chi bộ Đảng ở địa phương, ông Hưng luôn là tấm gương xuất sắc trong tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông là người nổi tiếng nơi vùng quê Quy Hậu với việc sưu tầm sách báo, tài liệu để viết chuyện về Bác Hồ. Cựu chiến binh già Nguyễn Duy Hưng còn là thành viên xuất sắc nhất trong câu lạc bộ 19/5 chuyên kể chuyện về Bác hồ cho nhân dân nghe trong những dịp sinh hoạt, lễ hội.

 

Song song với quá trình viết cuốn sách “Dân ta muốn biết rõ thêm v Bác Hồ”, ông Hưng còn âm thầm viết một tập tài liệu khác mang tên “Những mẩu chuyện hấp dẫn và đầy xúc động của Bác Hồ”, chuẩn bị ra mắt trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày Bác mất.

 

Ông tâm sự: “Tôi luôn biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ đã đưa tôi từ thân phận một người dân nô lệ tiến lên làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời mình. Bác đã cho tôi trở thành một thế hệ tiêu biểu, thế hệ Hồ Chí Minh. Mãi mãi đời tôi luôn nhớ về Người với tất cả lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc nhất. Người ra đi đã 40 năm nhưng trong trái tim tôi, Bác luôn sống mãi. Nếu còn sống, tôi sẽ còn viết chuyện về Bác”.

 

Văn Được