Việt Nam-Trung Quốc trao đổi ý kiến toàn diện, thực chất về quan hệ song phương
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về các biện pháp thúc đẩy triển khai các thỏa thuận, nhận thức chung cấp cao Việt Nam-Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, ngày 4/4, tại Quảng Tây, Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Vương Nghị.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao sau khi hai nước nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.
Tại cuộc hội đàm, trong không khí chân thành, hữu nghị và tin cậy cao, hai bên đã đi sâu trao đổi ý kiến toàn diện, thực chất về tình hình quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về các biện pháp thúc đẩy triển khai các thỏa thuận, nhận thức chung cấp cao Việt Nam-Trung Quốc.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo chủ chốt Việt Nam đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các đồng chí lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.
Hai bên bày tỏ vui mừng và nhất trí đánh giá, với các chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc tháng 10/2022 và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam tháng 12/2023, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt thành quả quan trọng, đặc biệt là việc lãnh đạo cấp cao hai bên đã nhất trí xác lập định vị mới cho quan hệ song phương, ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Hai Bộ trưởng Ngoại giao cùng khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của mỗi nước; nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp, triển khai cụ thể hóa một cách có hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững theo định hướng "6 hơn".
Toàn cảnh cuộc hội đàm (Ảnh: Phóng viên TTXVN tại Trung Quốc)
Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao thường xuyên, tăng cường hợp tác giữa hai Đảng, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao giữa hai nước trong năm 2024, Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương; phối hợp tổ chức tốt các cơ chế đối thoại, hoạt động giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, tư pháp.
Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại, nhất là ưu tiên cao thúc đẩy kết nối chiến lược về giao thông, tạo thuận lợi cho giao lưu kinh tế-xã hội giữa hai nước, cũng như đóng góp vào thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á.
Hai Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân, tích cực tuyên truyền về bề dày truyền thống hữu nghị của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc cũng như thành quả đổi mới, cải cách mở cửa của mỗi nước; thúc đẩy các cơ chế giao lưu hợp tác giữa các địa phương hai nước; tiếp tục tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ đa phương; tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên đất liền theo 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và các thỏa thuận có liên quan; tích cực mở mới, nâng cấp, công nhận các cặp cửa khẩu đã thống nhất, cũng như thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh.
Về vấn đề trên biển, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về kiểm soát và giải quyết tốt bất đồng; thực hiện đầy đủ, toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán, sớm đạt văn bản Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại theo hướng cân bằng bền vững, đề nghị Trung Quốc tiếp tục tạo thuận lợi và tăng nhập khẩu nông sản của Việt Nam, tạo điều kiện sớm thành lập thêm một số Văn phòng Xúc tiến thương mại của Việt Nam tại địa phương Trung Quốc; tích cực tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án hợp tác công nghiệp; đẩy nhanh kết nối đường sắt khu vực các tỉnh phía Bắc Việt Nam; mở rộng các tuyến hành lang kinh tế trong khu vực "hai hành lang, một vành đai" kéo dài đến Trùng Khánh, Trung Quốc; sớm thành lập Nhóm công tác thúc đẩy du lịch; tăng cường khai thác các chuyến bay thương mại; đẩy mạnh hơn nữa giao lưu nhân dân, cũng như giữa các địa phương biên giới hai nước.
Về phần mình, Bộ trưởng Vương Nghị đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược giữa sáng kiến "Vành đai và Con đường" với khuôn khổ "hai hành lang, một vành đai," thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư; Trung Quốc sẽ xem xét tích cực việc mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam; ủng hộ kết nối giao thông đường bộ, cùng xây dựng cửa khẩu thông minh giữa hai nước nhằm tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa; ủng hộ tăng cường hợp tác giáo dục, du lịch; phối hợp chặt chẽ hơn nữa trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế.
Cũng trong ngày 4/4, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đi khảo sát công tác triển khai vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc).