Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa
(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay (7/8) đã gửi công hàm phản đối việc Trung Quốc huấn luyện quân sự tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khẳng định hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự ở Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.” - bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngày 7/8, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối hành động vi phạm nêu trên của phía Trung Quốc.
Trước đó, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam công khai ra thông báo về các cuộc tập trận trong ngày 6/8 - 7/8 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo thông báo này, quân đội Trung Quốc tổ chức hai cuộc tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Cụ thể, cuộc tập trận thứ nhất diễn ra trong khung giờ 9h30-11h30 và 15h-18h ngày 6/8, bên trong khu vực giới hạn ở 4 tọa độ. Cuộc tập trận thứ hai diễn ra từ 15h - 17h ngày 7/8 tại khu vực giới hạn bởi 4 tọa độ khác. Thông báo của Cục Hải sự Hải Nam yêu cầu tàu thuyền tránh xa khỏi các khu vực này.
Dư luận quốc tế cho rằng, đây là hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó, phía Trung Quốc vẫn chưa rút tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông mà nước này đang xâm phạm trái phép hơn 1 tháng qua.
Hôm 1/8, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 và các Hội nghị liên quan diễn ra tại Bangkok - Thái Lan, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã gặp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định lập trường nguyên tắc của Việt Nam về vấn đề trên biển. Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nêu rõ, hai bên cần nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết thỏa đáng tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Về phía Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị khẳng định: Đảng, Chính phủ Trung Quốc trân trọng quan hệ với Việt Nam, nỗ lực giữ gìn quan hệ hữu nghị giữa hai nước; nhất trí cùng trao đổi ý kiến, giải quyết thỏa đáng những vấn đề phát sinh trong quan hệ.
Châu Như Quỳnh