1. Dòng sự kiện:
  2. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí
  3. Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc

“Việt Nam phản bác tất cả thông tin trong văn bản Trung Quốc gửi LHQ”

(Dân trí) - “Đại sứ của chúng ta tại Liên Hợp Quốc đã gặp Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông báo cụ thể tình hình, đồng thời phản bác tất cả thông tin trong những văn bản của Trung Quốc”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Chiều ngày 12/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí trước sự việc Trung Quốc vu vạ Việt Nam ở Liên Hợp Quốc và việc ông Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẵn sàng giúp giải quyết vấn đề biển Đông.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội (Ảnh Việt Hưng)

Cùng với hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông, mới đây phó Đại sứ nước này tại Liên Hợp Quốc, Wang Min còn lớn tiếng vu vạ Việt Nam lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và yêu cầu Liên Hợp Quốc cho lưu hành văn bản này tới 193 thành viên của Đại hội đồng. Trước động thái ngày càng trơ trẽn như vậy của Trung Quốc, xin ông cho biết Việt Nam phản bác lại thông tin đó thế nào?

Trước đó, chúng ta đã đưa thông tin, gửi công hàm và thông báo vấn đề với Liên Hợp Quốc. Đến nay, Đại sứ của chúng ta tại Liên Hợp Quốc - Lê Hoài Trung cũng đã gặp Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông báo tình hình đó. Đồng thời Đại sứ đã phản bác tất cả những thông tin trong những văn bản của Trung Quốc.

Chúng ta còn làm gì khác để Liên Hợp Quốc thấy rõ bản chất thực sự của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hay không?

Chúng ta còn gửi thông tin lên Liên Hợp Quốc và còn đề nghị họ lưu hành công hàm của chúng ta gửi lên như là tài liệu để biết rõ tình hình.

Ông Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc mới khẳng định sẵn sàng làm trung gian giải quyết vấn đề biển Đông. Ông nhìn nhận thiện chí đó thế nào?

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra quan điểm đó là điều tích cực. Chúng ta hoan nghênh sự cố gắng của tất cả các bên, nhất là động thái của Tổng Thư ký. Tất cả mọi cố gắng, nỗ lực để đóng góp vào việc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta.

Theo quy trình của Liên Hợp Quốc, khi Tổng Thư ký tham gia vào giải quyết thì các bên đều phải đồng ý vai trò của Tổng Thư ký.

Đến lúc này đã có dấu hiệu tích cực gì cho thấy lãnh đạo cấp cao 2 bên cùng giải quyết vấn đề chưa, thưa ông?

Chúng ta vẫn tiếp tục đấu tranh để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 9/6, Trung Quốc đã gửi văn bản vu vạ Việt Nam xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng đến hoạt động khoan dầu hợp pháp (?) của một công ty Trung Quốc ở Biển Đông lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và yêu cầu Liên Hợp Quốc cho lưu hành văn bản này tới 193 thành viên của Đại hội đồng.

Trong tài liệu mà phía Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc, họ ngang nhiên cho rằng, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thực hiện các hoạt động địa chấn, khảo sát địa chất trong khu vực này suốt 10 năm qua và hoạt động khoan dầu lần này là “sự nối tiếp quá trình thăm dò bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

Trung Quốc cũng vu cáo Việt Nam sử dụng “các biện pháp bất hợp pháp và gây hấn” trong đó có cả việc điều các tàu vũ trang sẵn sàng đâm, va, gây cản trở hoạt động của giàn khoan Trung Quốc. Bản tuyên cáo của phía Trung Quốc còn trắng trợn cho rằng: “Việt Nam đã điều người nhái đến khu vực trên và thả nhiều vật cản như lưới và các vật trôi nổi xuống biển” nhằm cản trở hoạt động bình thường của tàu thuyền Trung Quốc…

Quang Phong (ghi)