Việt Nam nói gì về thông tin xây 10 đảo nhân tạo ở Trường Sa?

(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng xác nhận, các hoạt động nhằm duy tu, bảo dưỡng các cơ sở vật chất đã xuống cấp của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người trên các cấu trúc mà Việt Nam đang quản lý thực tế.

Việt Nam nói gì về thông tin xây 10 đảo nhân tạo ở Trường Sa? - 1
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (ảnh: Nhật Minh)

Thông tin nói trên được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 25/4, tại Hà Nội.

“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, theo quy định của luật pháp quốc tế.” - bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Trả lời cụ thể về thông tin Việt Nam đang xây dựng 10 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, bà Hằng nêu rõ: “Các hoạt động nhằm duy tu, bảo dưỡng các cơ sở vật chất đã xuống cấp của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người trên các cấu trúc mà Việt Nam đang quản lý thực tế ở Trường Sa là hoàn toàn bình thường và hợp pháp theo luật pháp quốc tế, phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và không làm thay đổi nguyên trạng, không tổn hại môi trường, không làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp”.

Rất nhiều tư liệu có giá trị cho thấy, các Nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa ngày nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam cũng từng được bàn luận tại nhiều diễn đàn, hội thảo và là đề tài nghiên cứu của nhiều học giả trên thế giới, với các quan điểm nhấn mạnh: Các quốc gia ven biển đều có lợi ích trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt cá xa bờ tại vùng biển này.

Ngoài ra, Việt Nam còn có quyền khai thác dầu thô và khí đốt ngoài khơi xa’ Bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795 - 1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn, gồm 6 tập là một “tài liệu vô giá” không chỉ về mặt học thuật, mà còn là một tài liệu có giá trị pháp lý, hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Châu Như Quỳnh