Việt Nam nói gì về công hàm chung của Anh, Pháp, Đức về Biển Đông?
(Dân trí) - Anh, Pháp, Đức gửi công hàm chung phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam hoan nghênh những lập trường về Biển Đông phù hợp với Công ước luật Biển 1982.
Tại cuộc họp báo chiều 1/10, nhận đề nghị nêu quan điểm về việc Anh - Pháp - Đức gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc về vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau.
“Việt Nam cho rằng các nước cùng chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở Biển Đông. Để thực hiện điều này, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, nghiêm túc, thiện chí quy định của Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS 1982) là thiết yếu. Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm đã nêu tại các tuyên bố ở Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 vừa qua rằng Công ước luật Biển 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương” - bà Hằng nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam mong các nước, trong đó có các nước là đối tác của ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác trên Biển Đông và giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung của các nước và cộng đồng quốc tế.
Người phát ngôn khái quát: “Một lần nữa xin khẳng định Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này”.
Trước đó, ngày 17/9 vừa qua, Anh, Pháp, Đức đã gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc khẳng định các tuyên bố chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Nội dung công hàm khẳng định, Pháp, Đức và Vương quốc Anh cùng nhấn mạnh, các tuyên bố chủ quyền liên quan đến việc thực thi “quyền lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS và nhắc lại rằng phán quyết của trọng tài trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 xác nhận rõ ràng điểm này.
Công hàm của 3 nước cũng nêu rõ: “Lập trường này được tái khẳng định mà không ảnh hưởng đến các tuyên bố của các quốc gia ven biển có liên quan tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể đất liền được hình thành tự nhiên và các khu vực thềm lục địa ở Biển Đông”.
Yêu cầu Trung Quốc không tái diễn tập trận ở Hoàng Sa
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, báo giới cũng bày tỏ quan tâm với việc vừa qua, Ngoại trưởng Phillipines cho biết nước này sẽ cố gắng hoàn tất lần gặp thứ 2 của đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC) trước khi chuyển giao vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc cho Myanmar. Quá trình đàm phán COC của ASEAN với Trung Quốc đến nay thế nào?
Trả lời câu hỏi, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, việc nối lại đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh Covid-19 là ưu tiên của các nước ASEAN và Trung Quốc.
Chia sẻ ưu tiên này, Việt Nam mong muốn cùng các nước liên quan sớm nối lại đàm phán, tiến tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông chất lượng, toàn diện, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển 1982.
Về diễn biến mới nhất, Trung Quốc vừa tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật lần thứ 3 trong năm ở Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam quả quyết: “Cần phải nhắc lại một lần nữa là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đầy đủ của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này, đi ngược lại tinh thần tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, gây phức tạp tình hình, trở ngại cho hòa bình và không có lợi cho quá trình đàm phán COC. Việc này cũng không góp phần vào việc duy trì một môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
“Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chấm dứt và không tái diễn những hoạt động vi phạm tương tự” - bà Hằng nhấn mạnh.