1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Việt Nam không thể “miễn dịch” với nạn rửa tiền

“Nếu hệ thống chống rửa tiền ở Việt Nam không hữu hiệu, các luồng tiền bất hợp pháp từ nước khác sẽ đổ vào và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế khiến các tổ chức tài chính sẽ nhanh chóng rút khỏi Việt Nam...”

Ông Ric Power, cố vấn phòng chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố, chương trình toàn cầu phòng chống rửa tiền, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc, cảnh báo khi trao đổi với báo chí Việt Nam.

Ông Ric Power là cố vấn phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chống khủng bố, đã làm việc với các cơ quan pháp luật của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia về chương trình do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, để cung cấp sự trợ giúp về kỹ thuật cho 3 dự án phòng chống rửa tiền.

Xin ông cho biết cụ thể về những dự án này?

Năm 2007, Việt Nam đã gia nhập Cơ quan Phòng chống rửa tiền châu Á - Thái Bình Dương gồm 38 thành viên. Do vậy, Chính phủ Việt Nam phải cam kết thi hành theo đúng các điều khoản phòng chống rửa tiền, đặc biệt là phải thực thi 40 khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Nghĩa là Việt Nam vừa tuân thủ theo các quy định quốc tế vừa phải để cho FATF giám sát và theo dõi cơ chế chống rửa tiền một cách chặt chẽ và cũng như phải được các cơ quan độc lập khác đánh giá, xem xét. Hiện chúng tôi đang thực thi 3 dự án trong 3 năm chủ yếu là về cách chống rửa tiền qua hệ thống tài chính.

Liệu cơ chế chống rửa tiền của Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí quốc tế không, thưa ông?

Cho đến lúc này, Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt trong việc lập ra cơ quan chống rửa tiền ở trong các ngân hàng, hay Bộ An ninh công cộng. Tuy nhiên, cần phải cải thiện tình hình hơn nữa. Tôi có thể nói, Việt Nam chưa thể đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế một cách toàn diện.

Vậy Việt Nam có nhận thức được tầm quan trọng thực sự của chống khủng bố qua chống rửa tiền không?

Tôi cho rằng khủng bố không thật sự là mối đe dọa đối với Việt Nam như các nước khác. Nhưng theo tiêu chí quốc tế vẫn phải có những quy chuẩn đúng, hài hòa với các quy chuẩn trong nước.

Việt Nam tuy không phải là cái đích của bọn khủng bố nhưng vẫn có thể trở thành địa điểm trung chuyển tiền của chúng. Do đó, cần phải có cơ quan thực hiện để chống lại hoạt động khủng bố, rửa tiền và tài chính mà bọn khủng bố hướng tới, cũng như phải có những biện pháp tốt để bảo vệ cơ chế và trừng trị.

Xin ông cho biết ví dụ cụ thể về những hình thức phạm tội như ông nói ở trên tại Việt Nam?

Các thông tin tôi biết đều qua báo chí nhưng ở Việt Nam có những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng như các hoạt động tội phạm buôn bán ma túy, các hoạt động tham nhũng cùng với các hoạt động khác. VN không thể “miễn dịch” khỏi các hoạt động rửa tiền thông thường. Việt Nam cũng bị nhiễm bẩn bởi các nguồn tiền từ các nước khác.

Khi chúng được chuyển sang hình thức khác để lưu hành ở Việt Nam thì rất khó cho quá trình điều tra để chứng minh được nguồn tiền đã được “rửa”. Do đó phải cẩn thận khi chúng được chuyển nhượng qua các ngân hàng hoặc các tổ chức khác.

Bằng cách nào các điều tra viên có thể tìm ra được đâu là tiền bẩn đang được lưu thông?

Có nhiều cách, nhưng cách hữu hiệu nhất là phải có sắc lệnh về chống rửa tiền được thông qua năm 2005, trong đó có hàng loạt các biện pháp nhận biết và cách phòng chống. Ví dụ, khi tôi ra ngân hàng mở một tài khoản thì mọi thông số của tôi đã được lưu giữ.

Nếu tôi thất nghiệp nhưng tôi lại có 1 triệu đồng gửi vào ngân hàng thì ngân hàng sẽ phải đặt dấu hỏi nghi ngờ và thông báo cho các ngân hàng khác về sự chuyển nhượng tiền khả nghi này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành sắc lệnh hướng dẫn sử dụng tài khoản quy định nếu ai muốn chuyển nhượng trên 2 triệu đồng thì sẽ có một hệ thống kiểm toán kiểm tra một cách nhanh chóng.

Đây là một cách thử nghiệm khách quan, có thể thực hiện với hàng triệu báo cáo tài chính khác nhau. Một hình thức phát hiện khác là số tiền được chuyển nhượng không giống với những dữ liệu đã có, hay số tiền này đã được chuyển sang nước ngoài theo hình thức mua hàng chẳng hạn cũng được coi là tiền khả nghi.

Từng có 3 năm công tác và làm việc tại Việt Nam, vậy ông có lời khuyên nào giúp Việt Nam có được một cơ chế chống rửa tiền hiệu quả và kịp thời?

Việt Nam đã ban hành một nghị định về phòng chống rửa tiền, yêu cầu các tổ chức tài chính phải báo cáo những giao dịch đáng ngờ và giao dịch bằng tiền mặt hoặc bằng ngoại tệ hay vàng có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, hay gửi tiền ở mức từ 500 triệu đồng trở lên.

Để phòng chống rửa tiền có hiệu quả, Việt Nam cần thực hiện tốt những quy định trong nghị định về phòng chống rửa tiền, đồng thời sử dụng, hỗ trợ lực lượng hành pháp để họ có thể thu thập được thông tin rửa tiền. Bên cạnh đó, Việt Nam cần quy định rõ hơn về tội rửa tiền và tiến tới xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền.

Xin cám ơn ông!

Theo Bích Diệp
Báo Người lao động