Việt Nam hợp tác xử lý "thách thức chưa từng có" tại lưu vực sông Mekong
(Dân trí) - Trước những thách thức được nhìn nhận "chưa từng có" mà lưu vực sông Mekong phải đối mặt, Thủ tướng khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc hợp tác để ứng phó.
Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam - 4 quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mekong, vừa tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Thủ đô Vientiane (Lào).
Đại diện Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự, phát biểu tại hội nghị và đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, để cùng các nước trong lưu vực ứng phó với thách thức của lưu vực sông Mekong.
"Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thể hiện quyết tâm phát huy vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc ứng phó thách thức, tăng cường đoàn kết với các nước trong Ủy hội để quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo đảm lợi ích của các quốc gia trong lưu vực, trong đó có Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn báo chí sau chuyến đi.
- Nhiều thông điệp quan trọng cùng những cam kết đã được lãnh đạo Chính phủ các nước đưa ra tại Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4. Theo ông, những thông điệp mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập trong bài phát biểu tại phiên toàn thể có ý nghĩa như thế nào?
Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong diễn ra trong bối cảnh lưu vực sông đang đối mặt với những thách thức to lớn do tác động kép của biến đổi khí hậu và việc khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên nước cùng các tài nguyên liên quan.
Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh kế của người dân trên toàn lưu vực, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những thông điệp rất quan trọng, sâu sắc và toàn diện.
Thứ nhất, Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ cam kết của Việt Nam đối với Hiệp định Mekong năm 1995, kêu gọi các nước tuân thủ đầy đủ Hiệp định này cũng như bộ quy tắc đã được xây dựng liên quan việc sử dụng nguồn nước sông Mekong.
Thứ hai, Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn lưu vực; lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể trong khai thác, sử dụng nguồn nước ở sông Mekong, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người dân trong lưu vực.
Bên cạnh đó, tăng cường khả năng thích ứng của người dân trước những biến động của dòng sông hiện nay, cũng như những hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt, hạn hán, tình trạng tội phạm xuyên quốc gia đang diễn biến rất phức tạp trong lưu vực.
Thứ ba, Thủ tướng đã đề xuất các hoạt động hợp tác cụ thể, trong đó có tăng cường chia sẻ dữ liệu, nghiên cứu chung, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển giao thông đường thủy bền vững, phối hợp xử lý tội phạm xuyên quốc gia, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kết nối lưới điện, phát triển năng lượng trong khu vực.
Thứ tư, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam kêu gọi các nước đối tác, nhất là quốc gia thượng nguồn và đối tác phát triển, cùng hợp tác, chia sẻ dữ liệu, tăng cường hỗ trợ về tri thức, kinh nghiệm, tài chính và nguồn lực để Ủy hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tốt nhất sự phát triển bền vững của dòng sông và lưu vực sông Mekong.
- Trong bài phát biểu tại Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam dành nhiều thời gian chia sẻ về tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với lưu vực sông Mekong nói chung và ĐBSCL nói riêng. Ông nhận định thế nào về bức tranh thực tế ở vùng ĐBSCL - nơi đang phải đối mặt rất nhiều thách thức lớn, như Thủ tướng đã nói?
Vấn đề khai thác, sử dụng nguồn nước ở lưu vực sông Mekong là nền tảng và lý do tồn tại của Ủy hội sông Mekong quốc tế. Chính vì vậy, các nước ở hạ nguồn lưu vực Mekong, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, đã cùng nhau xây dựng Hiệp định Mekong năm 1995.
Hiệp định đặt ra những nguyên tắc nền tảng, một mặt tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia trong việc khai thác và sử dụng nguồn nước, mặt khác phải sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, công bằng, tôn trọng lợi ích của các nước ở hạ nguồn.
Hiện nay, các nước đang có nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khiến việc khai thác, sử dụng nguồn nước cũng chịu tác động nặng nề, một số nơi đang phải chịu tác động quá mức.
Chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, tác động trực tiếp tới nguồn nước, sự di chuyển của phù sa, các nguồn thủy, hải sản trong khu vực…
Dẫn chứng là các chuyên gia dự báo đến năm 2040, lượng phù sa của vùng ĐBSCL sẽ giảm hơn 9 lần so với hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm.
Mặt khác, mối nguy hại này còn bị cộng hưởng bởi tác động rất tiêu cực của biến đổi khí hậu, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt, hạn hán, tình trạng nước biển dâng gây ra xâm nhập mặn, ảnh hưởng xấu đến ĐBSCL và an ninh nguồn nước, an ninh lương thực trong khu vực.
- Vậy những thông điệp mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra, cũng như những đóng góp của đoàn Việt Nam, đã được đón nhận như thế nào tại Hội nghị lần này, thưa ông?
Trong phát biểu của lãnh đạo cấp cao các nước, có nhiều ý kiến chia sẻ với những thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó các nước đều khẳng định cam kết mạnh mẽ với việc thực hiện Hiệp định Mê Công năm 1995, coi trọng vai trò của Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Tất nhiên, các nước đều có những ưu tiên, quan tâm riêng, nhưng thông qua các phát biểu và văn kiện được thông qua, có thể thấy điểm đồng thuận rất lớn của các nước thành viên Ủy hội chính là nhu cầu tăng cường hợp tác, xây dựng các kế hoạch, dự án phát triển chung, để bảo đảm sự phát triển bền vững của lưu vực.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế được tổ chức từ năm 2010, theo cơ chế luân phiên 4 năm/lần tại 4 nước thành viên của Ủy hội. Đến nay, có 3 kỳ Hội nghị MRC đã được tổ chức.
Lần đầu tiên vào năm 2010 do Thái Lan đăng cai tại Hua Hin; lần thứ hai vào năm 2014 do Việt Nam đăng cai tại TPHCM và lần thứ ba vào năm 2018 do Campuchia đăng cai tại Siem Reap.