Việt Nam góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Việt Nam đang góp phần đảm bảo an ninh lương thực không chỉ cho đất nước, khu vực mà còn cả thế giới.

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023. 

Tại cuộc họp báo, ông Tiến cho biết, ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen.

Trong đó, khó khăn lớn nhất thuộc về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, chủ yếu đối với mặt hàng gỗ và thủy sản.

Hiện các nước ASEAN và ngành nông nghiệp các nước trên thế giới rất quan tâm vấn đề an ninh lương thực.

Trước giờ, người dân vẫn quan niệm năm nhuận thì năng suất lúa gạo sẽ giảm nhưng năm nay không xảy ra tình trạng đó vì Bộ NN&PTNT đã đúc kết kinh nghiệm từ các năm trước, hướng dẫn bà con kỹ thuật.

Việt Nam đang góp phần đảm bảo an ninh lương thực không chỉ cho đất nước, khu vực mà còn thế giới.

Việt Nam góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới - 1

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Nguyễn Hải).

Thứ trưởng Tiến nhìn nhận, ngành nông nghiệp vẫn là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế.

Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản trên thị trường thế giới. Từ cơ cấu thị trường và ngành hàng, Bộ NN&PTNT sẽ có những điều hành linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới.

Ông Tiến khẳng định, chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt cao như hiện nay. Theo đà tăng trưởng này, chắc chắn năm 2023 xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ đạt trên 5 tỷ USD.

Nếu đầu tư tốt hơn nữa cho chế biến sâu, khai thác tiềm năng thị trường thì con số 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.

Việt Nam góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới - 2

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ NN&PTNT (Ảnh: Nguyễn Hải).

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Những khó khăn, thách thức từ tác động của giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn...

Việt Nam góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới - 3

Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023 tại Bộ NN&PTNT (Ảnh: Nguyễn Hải).

Những yếu tố trên sẽ tác động đến sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 3 đến 3,5%, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp thủy sản đạt 54-55 tỷ USD.

Ông Việt cho rằng, để đạt được mục tiêu này cần thực hiện các giải pháp tác động vào sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm, như nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.