Việt Nam gặp khó trong việc lập bản đồ định vị bom mìn
(Dân trí) - Trong năm 2013, Việt Nam có khoảng 60 vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ sau chiến tranh gây ra; so với chỉ 1-2 trường hợp ở nhiều nước châu Âu. Việc lập bản đồ định vị khu vực ô nhiễm bom mìn vẫn còn là vấn đề khó khăn đối với VN.
Ông Guy Rhodes cho rằng, Việt Nam phải mất hơn 300 năm và khoảng 10 tỷ USD để làm sạch hoàn toàn đất đai bị ô nhiễm bởi bom mìn. Trong năm 2013, Việt Nam chứng kiến khoảng 60 vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra, so với con số chỉ ở mức 1-2 trường hợp tại nhiều nước châu Âu. Theo ông, một trong những khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn là lập bản đồ định vị cụ thể từng khu vực ô nhiễm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề hội thảo, Đại tá Phan Đức Tuấn, Nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Công Binh, cho biết: Việt Nam đã thực hiện hai dự án thiết lập bản đồ về ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc. Dự án thứ nhất từ năm 2004-2008 được triển khai trên sáu tỉnh miền trung và dự án thứ hai vừa kết thúc năm 2013 trên phạm vi toàn quốc, nhưng chưa thực hiện dự án nào về xác định ô nhiễm bom mìn trên biển.
Tuy nhiên, những bản đồ bom mìn đó chỉ là xác định phạm vi ảnh hưởng, tác động của bom mìn vật nổ sau chiến tranh chứ chưa chỉ ra vị trí cụ thể của từng vật nổ còn sót lại nằm ở đâu.
“Việt Nam đang thí điểm các dự án nhằm thu hẹp diện tích bị nghi ngờ ô nhiễm bom mìn, gồm 3 hợp phần: Điều tra phi kỹ thuật thông qua việc thăm dò ý kiến, trên cơ sở đó sẽ tiến hành khảo sát kỹ thuật để kiểm tra xem phạm vi ảnh hưởng và mở rộng dần ra và sau đó là rà phá bom mìn ở khu vực thực sự ô nhiễm,” Đại tá Phan Đức Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, Việt Nam có nguồn dữ liệu thông tin quý giá để giúp định vị vật nổ sót lại sau chiến tranh, nhưng chúng ta đã bỏ qua. Chẳng hạn như trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ có những cô gái dũng cảm như La Thị Tám đã đứng đếm bom ở chòi quan sát , nếu chúng ta khai thác được những tư liệu đó sẽ rất hữu ích cho việc xác định vị trí của bom mìn chính xác hơn là dựa vào bản đồ ném bom của Mỹ. Dựa vào bản đồ ném bom của Mỹ, chúng ta chỉ biết được tọa độ ném bom còn quả bom rơi cụ thể ở vị trí nào thì khó có thể biết chính xác được.
Ngoài khó khăn trong việc lập bản đồ định vị khu vực ô nhiễm bom mìn, vấn đề nguồn lực cũng là một điều đáng bàn trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam.
Đại tá Phan Đức Tuấn nhấn mạnh, “Giờ chúng ta đã xây dựng cơ quan điều phối về rà phá bom mìn, máy móc thiết bị được nâng cao, nhưng vấn đề vẫn là nguồn lực. Rà phá bom mìn trên một héc ta đã rất tốn kém, trong khi đó, diện tích bị ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,6 triệu ha thì nguồn lực phải lớn thế nào?".
Vì vậy Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn (Chương trình 504) cần huy động tối đa nguồn lực xã hội để ngăn ngừa giảm thiểu và loại bỏ nguy cơ ảnh hưởng của bom mìn.”
Theo ông Nghiêm Đình Thiện, Đại diện Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam, Việt Nam là một trong những nước gánh chịu hậu qủa nặng nề do bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Công tác khắc phục hậu quả bom mìn đã được tiến hành tích cực ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Hàng nghìn tấn bom đạn đã được xử lý thành công, ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn của người dân ngày càng được cải thiện... Tuy nhiên, diện tích ô nhiễm bom mìn vẫn còn lớn, chủng loại bom mìn vật nổ đa dạng cùng với các điều kiện khác luôn là những thách thức lớn đối với công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.
Theo thống kê, gần 40 năm qua, hậu quả chiến tranh vẫn còn dai dẳng, nặng nề, đã có hơn 42.000 người chết, hơn 62.000 người bị thương do bom mìn và vật nổ. Tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn…
Hội thảo đánh giá giữa kỳ về Dự án quản lý vật nổ còn sót lại sau chiến tranh (MORE) được Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và Trung tâm quốc tế Geneva về khắc phục bom mìn nhân đạo tổ chức. Dự án MORE là kết quả của sự hợp tác giữa 15 quốc gia khác nhau thuộc Châu Âu, Châu Á. Chương trình này nghiên cứu sự phát triển của các chính sách, và thực tiễn trong cách thức phản hồi đối với sự hiện diện của vật nổ tại các quốc gia vẫn còn bị ô nhiễm bom đạn từ sau các cuộc xung đột 1945, nhằm hỗ trợ cho người ra quyết định hiện tại và khuyến khích sự thay đổi trong cách thức tiếp cận các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục những tác động của ô nhiễm bom đạn tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các xung đột gần đây (như Việt Nam, Lào, Campuchia). |
Nam Hằng