1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Việt Nam dự báo cường độ bão Noru sát thực tế hơn các nước"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Các nước sử dụng mô hình toàn cầu nên khu vực Biển Đông độ phân giải thấp, còn Việt Nam vận hành mô hình khu vực có độ phân giải cao hơn, theo đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Liên quan đến công tác dự báo bão Noru, sáng 29/9, phóng viên báo Dân trí có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Trung tâm).

Việt Nam dự báo cường độ bão Noru sát thực tế hơn các nước - 1

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia. (Ảnh: Nguyễn Dương).

- Công tác dự báo bão Noru đã được Trung tâm thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trước tiên có thể thấy bão số 4 (tên quốc tế là Noru) là một cơn bão rất mạnh, trước khi đổ bộ Philippines đã đạt cấp độ siêu bão. Trên Biển Đông bão đạt cấp 14-15, giật cấp 17 khi ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa; bão di chuyển nhanh với tốc độ trung bình khoảng 25km/h.

Công tác dự báo về cơn bão này đã được triển khai từ rất sớm và nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã có những chỉ đạo sát sao đối với các đơn vị dự báo khí tượng thủy văn.

Ngày 23/9 khi bão còn ngoài xa Philippines, Trung tâm đã ra công văn cảnh báo sớm và gửi tới Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai về khả năng tác động lớn của bão số 4 đối với các vùng biển.

Ngày 26/9, khi bão vừa vào Biển Đông, Trung tâm dự báo đã phát tin bão khẩn cấp, kèm theo thông tin dự báo từng giờ về cường độ, hướng di chuyển của bão số 4. Tổng cộng, Trung tâm dự báo đã ban hành 33 tin chính thức và 44 tin nhanh bổ sung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó.

- Quá trình dự báo có những khó khăn, thuận lợi gì?

- Cơn bão số 4 có đường đi không quá phức tạp, chủ yếu di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh và cơ bản là ổn định.

Khó khăn chung hiện nay trên thế giới trong dự báo bão là dự báo cường độ, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Các dự báo của thế giới có sự đồng thuận về hướng di chuyển, cũng như tốc độ di chuyển, tuy nhiên cường độ bão thì có sự chênh lệch rất lớn.

Việt Nam là nước đưa ra dự báo quá trình bão mạnh lên trên Biển Đông và suy yếu trước khi vào bờ sát với thực tế nhất. Mặc dù các cơ quan dự báo quốc tế đưa ra nhận định bão rất mạnh khi vào bờ, có nước dự báo lên siêu bão. Nhưng với hệ thống quan trắc radar dọc ven biển, cơ quan dự báo Việt Nam đã đưa ra các phân tích và dự báo báo cường độ khi tiếp cận bờ sát thực tế hơn.

- Tại sao các đài dự báo quốc tế như Mỹ, Trung Quốc luôn nhận định cường độ bão Noru tăng từ 1-2 cấp so với dự báo của Việt Nam, thưa ông?

- Thống kê trong đợt dự báo bão số 4, các trung tâm dự báo bão quốc tế gồm Mỹ, Bắc Kinh, Hồng Kông dự báo trên biển cường độ bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17; khi đổ bộ bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Nhật Bản dự báo khi đổ bộ bão mạnh cấp 15. Có thể thấy, các dự báo của Mỹ, Bắc Kinh, Hồng Kông luôn đưa ra cảnh báo bão số 4 mạnh hơn Việt Nam từ 2-3 cấp.

Sự khác biệt về cường độ bão số 4 nói trên giữa các đài dự báo xuất phát từ cách tính toán và thời gian tính gió mạnh của các nước là khác nhau.

Cụ thể, với Mỹ họ tính cường độ gió mạnh trong vòng 1 phút, còn Việt Nam tính gió mạnh trong 2 phút, nên cũng có sự chênh lệch. Ngoài ra các hệ mô hình của các trung tâm dự báo trên thế giới cũng khác nhau, thường mô hình dự báo cho khu vực Biển Đông của các nước khác là mô hình toàn cầu, độ phân giải thấp. Còn Việt Nam hiện vận hành hệ thống mô hình khu vực độ phân giải cao, có đồng hóa số liệu của Việt Nam và hệ thống tổ hợp 32 mô hình khu vực cho vùng Biển Đông và đất liền Việt Nam.

Các phiên dự báo của hệ thống tổ hợp 32 mô hình dự báo khu vực lần này đã giúp Trung tâm dự báo của Việt Nam đánh giá sát hơn so với các nước khác trong dự báo cường độ và diễn biến của bão số 4.

- Có thời điểm Trung tâm dự báo của Việt Nam đã tính toán bão Noru có thể tăng lên cấp siêu bão, tức là cấp 16 trên Biển Đông. Cấp độ này cũng đúng với nhận định của đài Mỹ, Trung Quốc, nhưng cuối cùng Trung tâm vẫn không phát thông tin bão Noru mạnh cấp 16. Vì sao lại như vậy, thưa ông?

- Dự báo tổ hợp 32 mô hình khu vực đã giúp Trung tâm nhận thấy có một số yếu tố khiến bão số 4 có thể đạt cường độ siêu bão, tuy nhiên sau khi đánh giá và phân tích kỹ, chúng tôi xác định phương án này không có nhiều khả năng xảy ra.

Phương án chiếm xác suất cao hơn đó là cường độ bão số 4 có thể đạt cực đại cấp 14-15 khi trên Biển Đông, đây là phương án mà Trung tâm dự báo đã đưa ra trong các bản tin chính thức.

- Để đưa ra cấp độ rủi ro thiên tai trong các bản tin dự báo, Trung tâm dựa trên các yếu tố nào và cấp độ bão sẽ ảnh hưởng ra sao đến công tác ứng phó?

- Nghị định số 160 và Quyết định 18 xác định 5 cấp độ rủi ro thiên tai sẽ gắn liền với trách nhiệm ứng phó từng cấp độ. Ví dụ, đối với bão, rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm một trong các trường hợp sau:

Dự báo bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ; 

Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên;

Dự báo bão rất mạnh từ cấp 14, cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ;

Dự báo bão từ cấp 14 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa).

Việt Nam dự báo cường độ bão Noru sát thực tế hơn các nước - 2

Chiều 27/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có cuộc trao đổi thảo luận với lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các chuyên gia về diễn biến cơn bão Noru. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Tùy theo cấp độ rủi ro thiên tai mà chúng ta có các giải pháp ứng phó phù hợp. Ở cấp độ 4, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai các biện pháp ứng phó. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các biện pháp cụ thể.

Trường hợp thiên tai vượt cấp độ 5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai báo cáo Thủ tướng, đề nghị Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

Việt Nam dự báo cường độ bão Noru sát thực tế hơn các nước - 3
Việt Nam dự báo cường độ bão Noru sát thực tế hơn các nước - 4

Tối 27/9, lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận, làm việc xuyên đêm để theo dõi diễn biến bão Noru. (Ảnh: Nguyễn Dương).

- Hệ thống cơ sở vật chất như radar, các Đài khí tượng thủy văn... như hiện nay đã đáp ứng đủ cho công tác dự báo chưa hay cần bổ sung, thưa ông?

- Hiện tại có thể thấy hệ thống quan trắc mưa, radar giám sát bão vùng ven biển của Việt Nam cơ bản đã hoàn thiện, điều này cũng được thể hiện khá rõ trong việc giám sát trong cơn bão số 4 vừa qua.

Tuy nhiên khi bão hoạt động trên khu vực biển ngoài khơi, nhất là vùng Biển Đông thì số liệu quan trắc vẫn khá là hạn chế, vì thế việc trang bị thêm những radar trên Biển Đông là cần thiết.

Ngày 23/9, vùng biển ngoài khơi gần đảo Luzon (Philippines) hình thành một áp thấp nhiệt đới, sau đó đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Noru. Thời điểm hình thành bão Noru, bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Cơn bão này di chuyển nhanh và cường độ liên tục tăng lên, đến 13h ngày 25/9, bão Noru đã đạt cấp siêu bão, cấp 16, giật cấp 18.

Đêm 25/9, bão Noru đổ bộ vào đất liền Philippines và gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho quốc gia này.

Rạng sáng 26/9, bão Noru vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 trong mùa mưa bão năm 2022. 

Khoảng 4h sáng 28/9, bão Noru đổ bộ vào đất liền, trọng tâm là Đà Nẵng và Quảng Nam, với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Sau nhiều giờ "quần thảo" trên đất liền, cùng ngày bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.