1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Việt Nam - điều kỳ diệu của châu Á

(Dân trí) - Mặc dù nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn nhưng trong đánh giá mới đây của The Economist, Việt Nam vẫn là nền kinh tế mang đến cho những nước trong quá trình chuyển đổi bài học vị tha, mở cửa với thế giới và cải cách nền kinh tế.

Bản báo cáo mới nhất của báo Economist với tiêu đề “Asia's other miracle” đánh giá cao tình hình kinh tế và vị thế Việt Nam trên thế giới. Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh nhờ thành công trong việc để thị trường phát huy sức mạnh của nó.

 

Việt Nam đang là một trong các nước phát triển nhanh nhất châu Á với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5% trong vòng 1 thập kỷ qua.

 

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 7,5% trong thập kỷ qua. Tuy mức tăng trưởng này vẫn còn thấp hơn nước láng giềng Trung Quốc, song theo The Economist, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã có nhiều thành công hơn Trung Quốc rất nhiều.

 

Mục tiêu tăng trưởng 9% trong năm nay của chính phủ có thể không đạt được khi đất nước này đang đương đầu với tỷ lệ lạm phát ở mức 2 con số và thâm hụt thương mại, tuy nhiên viễn cảnh lâu dài của nền kinh tế Việt Nam vẫn nhiều triển vọng.

 

Những thành phố lớn của Việt Nam hiện nay đã rất sầm uất và đời sống tại miền nông thôn, nơi đại đa số người Việt Nam sinh sống, chất lượng cuộc sống nơi đây không thấp nhiều so với Thái Lan.

 

Việt Nam đã từng là một quốc gia có tình trạng đói nghèo trầm trọng nhưng đến nay Việt Nam được nhắc đến như một nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới. Philippin, từng là nước phát triển thứ hai châu Á, mới đây đã phải đề nghị mua gạo của Việt Nam.

 

Thành công về kinh tế đã biến Việt Nam thành điểm đến của nhiều công ty đa quốc gia, các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới và cả các công ty du lịch. Sức mạnh ngoại giao của Việt Nam cũng tăng lên với vai trò và tiếng nói: vào tháng 7/2008, Việt Nam sẽ trở thành chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ sau thời gian giữ vai trò là thành viên không thường trực.

 

Nhiều nước khác trong quá trình chuyển đổi có thể học hỏi từ Việt Nam bài học vị tha, mở cửa với thế giới và cải cách kinh tế. Với việc đạt được nhiều thành công trên con đường thương mại tự do, tấm gương Việt Nam có thể khuyến khích các nước đang phát triển tham gia tích cực hơn tại vòng đàm phán thương mại Doha.

 

Chưa hài lòng với thành công đã đạt được, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu trở thành một nước giàu với trình độ công nghệ cao vào năm 2020. Tuy nhiên để làm được điều này, Việt Nam cần phải học hỏi rất nhiều từ thành công của các nước láng giềng cũng như rút kinh nghiệm từ chính những thất bại trong quá khứ.

 

Câu chuyện thành công của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu từ sau khi nền kinh tế mở cửa vào năm 1986. Vào năm 2000, lĩnh vực kinh tế tư nhân bắt đầu được khuyến khích phát triển mạnh.

 

Cùng năm đó, thị trường chứng khoán được thành lập và trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Những rào cản thương mại được dỡ bỏ bớt. Xuất khẩu và nhập khẩu tăng mạnh. Kinh tế Việt Nam hiện nay là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên thế giới.

 

Cũng như Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan, Việt Nam cho thấy rằng hệ thống chính quyền của mình có khả năng giải phóng người dân khỏi đói nghèo. Lãnh đạo Việt Nam đã nhận ra rằng rất khó để áp đặt kiểm soát cho nền kinh tế thị trường, cần những biện pháp quản lý linh hoạt hơn để có thể phát triển đúng hướng.

 

Ngọc Diệp