1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Việt Nam đánh giá việc thực thi Công ước chống tham nhũng của Trung Quốc

(Dân trí) - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, Việt Nam và một quốc gia khác đã tham gia đánh giá việc thực thi Công ước quốc tế về chống tham nhũng của Trung Quốc.

Ông Trần Đức Lượng phát biểu tại buổi lễ.
Ông Trần Đức Lượng phát biểu tại buổi lễ.

Bên lề Lễ phát động chương trình nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) diễn ra sáng 23/6, ông Trần Đức Lượng - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - cho biết đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy nạn tham nhũng trong những năm gần đây dường như tăng lên, trong khi niềm tin của người dân ở các quốc gia đang phát triển giảm đi so với nỗ lực phòng chống tham nhũng của các Chính phủ. Chính vì thế từ năm 2003 Liên Hợp Quốc đã cho ra đời Công ước quốc tế về chống tham nhũng và đến nay đã có 172 quốc gia là thành viên.

Theo ông Lượng, sau khi Công ước quốc tế về chống tham nhũng ra đời, một số nước thành viên có sáng kiến về cơ chế đánh giá việc thực thi công ước. Cơ chế này có nhiều nội dung, nhưng tóm tắt lại là đánh giá theo hai chu trình. Chu trình thứ nhất là đánh giá về chương hình sự hóa và thực thi pháp luật về chống tham nhũng; chu trình thứ hai xung quanh việc hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng. Theo quy định của cơ chế thì năm 2015 kết thúc chu trình thứ nhất và giai đoạn từ năm 2016 - 2020 sẽ bắt đầu chu trình thứ hai. Chu trình thứ hai tập trung đánh giá chương về phòng ngừa và thu hồi tài sản.

“Việt Nam là một trong những nước hoàn thành sớm và tốt nhất chu trình đánh giá thứ nhất của Công ước về chống tham nhũng. Tại các hội nghị quốc tế mà chúng tôi tham gia, Việt Nam được nêu ra như một ví dụ điển hình về thực thi cơ chế đánh giá công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, đặc biệt trong chu trình đánh giá thứ nhất. Chúng tôi đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, khi thực thi đánh giá chu trình thứ hai bắt đầu từ năm 2016, Việt Nam sẵn sàng là nước đi đầu trong việc đánh giá chương thứ 2 về phòng ngừa và thu hồi tài sản. Tôi biết rằng mình có những khó khăn, nhưng có kinh nghiệm khi đánh giá thực thi công ước của Liên Hợp Quốc ở chu trình thứ nhất. Việc này giúp chúng ta hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tốt nhất, học tập kinh nghiệm tốt của quốc tế để hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, đặc biệt sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng”- ông Lượng nói.

Báo cáo của Việt Nam đã được chuyên gia của Lyban và Italya thẩm định. “Về nguyên tắc báo cáo này không được công khai, chỉ công khai bản tóm tắt của nó thôi. Nhưng ban thư ký khuyến khích các quốc gia đăng toàn văn để các quốc gia khác học tập. Người ta thấy rằng Việt Nam làm đúng hạn, chất lượng tốt và người ta đề nghị với Chính phủ mình cho đăng tải toàn văn báo cáo đó. Thanh tra Chính phủ đã xin ý kiến của các bộ ngành và Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Hiện nay trên trang thông tin điện tử của Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc có toàn văn báo cáo bằng tiếng Anh của Việt Nam ở trên đó. Người ta đánh giá rất cao hoạt động của Việt Nam trong việc thực thi cơ chế đánh giá này”- ông Lượng cho biết.

Cơ chế đánh giá việc thực thi Công ước quốc tế về chống tham nhũng, quy định mỗi một quốc gia sẽ đi đánh giá không quá 4 quốc gia khác. Sau khi bốc thăm, Việt Nam đã cùng một quốc gia khác đánh giá Trung Quốc.

“Trung Quốc có hệ thống pháp luật rất phức tạp, đó là pháp luật Đại lục, Hồng Kông, Ma Cao. Theo đánh giá của tôi, Trung Quốc xây dựng báo cáo  rất tốt. Các chuyên gia của mình đã gặp họ 2 lần ở hội nghị các quốc gia thành viên. Họ rất cảm ơn những bình luận đối với báo cáo của họ. Tại hội nghị vừa rồi, chuyên gia của Trung Quốc đã có lời mời chính thức các chuyên gia của Việt Nam tới Bắc Kinh thảo luận thêm về báo cáo của họ”- ông Lượng thông tin.

Trả lời thắc mắc của PV Dân trí về những đánh giá của phía Việt Nam đối với việc hình sự hóa và thực thi pháp luật về chống tham nhũng của Trung Quốc, ông Trần Đức Lượng nói: “Nội dung đánh giá thì không thể nói được vì theo cơ chế là bí mật. Chỉ có các chuyên gia Chính phủ được biết thôi. Đó là những đánh giá về chương hình sự hóa và thực thi pháp luật của pháp luật Trung Quốc, hợp tác quốc về phòng chống tham nhũng của Trung Quốc. Còn cái hay cái dở thì các quốc gia yêu cầu bí mật, trừ quốc gia đó đồng ý công khai. Ví dụ như Việt Nam đồng ý công khai. Trung Quốc người ta chưa đồng ý”.

Thế Kha