Luật sư Nguyễn Bá Diến - Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế:
Việt Nam có thể khiếu nại lên Hội đồng Bảo an
“Lẽ ra, là một quốc gia lớn, là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Trung Quốc phải gương mẫu, phải tuân theo Hiến chương Liên Hợp Quốc là không sử dụng vũ lực, giải quyết mọi tranh chấp bằng phương pháp hoà bình; nhưng Trung Quốc không hề làm theo!”.
PGS-TS-luật sư Nguyễn Bá Diến - Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế nhấn mạnh.
Ông đánh giá thế nào khi công luận Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng, nhưng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn tuyên bố “Hoạt động của tàu hải giám Trung Quốc với Việt Nam là hoàn toàn hợp lý”?
Đó là cách thức của Trung Quốc: Dù không phải của họ vẫn tuyên bố là của họ. Ví dụ như tuyên bố đường lưỡi bò, họ ngang nhiên đưa ra tuyên bố một cách phi pháp, trái luật pháp quốc tế. Từ xưa đến nay chưa có trường hợp nào một nước lại đơn phương tự đứng ra vạch định ranh giới nằm sát ven bờ biển của các quốc gia khác. Khi thì họ tuyên bố vùng nước nằm trong đường lưỡi bò đó thuộc chủ quyền, khi thì nói là thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc, khi thì nói có tính chất lịch sử. Ngay bản thân tuyên bố cũng mập mờ. Ngay cả trong tiền lệ luật pháp chưa từng có khái niệm nào về một vùng nước như thế cả.
Từ ngàn đời nay, ngư dân Việt Nam vẫn bám biển mưu sinh và giữ vững lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Ảnh: TTXVN
Hành động của Trung Quốc đã vi phạm một cách nghiêm trọng Công ước về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông ký giữa ASEAN và Trung Quốc. Đâu là lý do để Trung Quốc ngang ngược đến vậy?
Trung Quốc có hơn 700 tờ báo và hằng ngày vẫn ra rả đưa tin rằng “Việt Nam đang ngang nhiên xâm lược tài nguyên Trung Quốc”. Không những thế, họ còn đưa ra các lệnh về những vùng cấm đánh bắt trên biển Đông. Họ ngang ngược như vậy đấy!
Thậm chí, họ còn bắt các tàu cá của Việt Nam đánh bắt tại Hoàng Sa, Trường Sa dù đây là các quần đảo của ta. Về căn cứ pháp lý, ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định đó là vùng hải đảo của Việt Nam, dù Trung Quốc đã dùng vũ lực để đánh chiếm Hoàng Sa. Họ bắn chìm tàu hải quân của Việt Nam, bắn giết binh sĩ của Việt Nam. Cần nhớ, Trung Quốc là thành viên Hội đồng Bảo an.
Lẽ ra, một quốc gia lớn, là thành viên thường trực của HĐBA phải gương mẫu, phải tuân theo Hiến chương LHQ là không sử dụng vũ lực, giải quyết mọi tranh chấp bằng phương pháp hoà bình. Thế nhưng, Trung Quốc không hề làm theo. Ngay cả về mặt tuyên truyền, từ báo lá cải đến tạp chí lớn như tạp chí Quốc tế Trung Quốc đăng hàng loạt công trình về biển đảo, họ tự cho có quyền sở hữu đa phần tại biển Đông. Họ đưa ra những chứng cứ hết sức ngụy tạo nhằm thực hiện phương châm “100 lần nói dối thì thành sự thực”.
Trung Quốc đã có cả một chiến lược để biến biển Đông thành “sân nhà”. Vậy chiến lược của Việt Nam phải làm gì để giữ vững chủ quyền biển đảo?
Đó là sử dụng sức mạnh dân tộc, truyền thống muôn đời của ông cha. Chúng ta phải đoàn kết từ các nhà lãnh đạo cao cấp đến người dân thường. Đồng thời, Việt Nam phải chú trọng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực là các chuyên gia về công nghệ biển, đào tạo các luật sư, các thẩm phán, trọng tài sư giỏi về luật biển để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh trường kỳ với Trung Quốc. Ta cần chú ý đến nghiên cứu khoa học về biển để dù ra trước các thể chế luật pháp quốc tế hay trong đàm phán song phương với Trung Quốc, chúng ta có đủ chứng cứ pháp lý vững chắc.
Việt Nam có nên khởi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về Luật Biển, thưa ông?
Hoàn toàn nên. Ngoài việc phản đối về mặt ngoại giao, ta có thể thực hiện một số hoạt động ngoại giao pháp lý khác. Chẳng hạn Chính phủ Việt Nam có thể gửi khiếu nại lên Hội đồng Bảo an, Đại Hội đồng LHQ. Tiếp đó, ta có thể nghiên cứu khởi kiện Trung Quốc trước các thiết chế quốc tế như Toà án Luật Biển, Toà án Công lý quốc tế. Đây là những chu trình rất phức tạp và ta phải nghiên cứu cụ thể từ thủ tục, trình tự đến nguyên tắc của các cơ quan này.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phương Thuỷ
Báo Lao động