1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Biển Đông là không thể xâm phạm

Việc tàu hải giám Trung Quốc (TQ) cắt cáp của ta là hành động ngang ngược, chứng tỏ TQ có bước đi mới trong việc thực hiện âm mưu bá quyền - nhà nghiên cứu TQ Dương Danh Dy - nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu - nói.

Ông Dương Danh Dy cho biết:

Biển Đông là không thể xâm phạm  - 1

Ông Dương Danh Dy
TQ từ không có chỗ đứng chân trên biển Đông, nên chưa thoả mãn lòng tham bành trướng bá quyền, họ muốn chiếm tất cả biển Đông. Mấy năm gần đây họ có nhiều bước đi. Họ thành lập tàu ngư chính để xua đuổi, tuần tra các tàu vi phạm lệnh cấm bắt cá của họ, họ tuyên bố bán đấu giá các đảo không có người ở trên  vùng biển họ gọi là của TQ, thực tế là chạm đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và một số nước ASEAN.

Hành động này là bước đi cụ thể, mới trong việc bành trướng trên biển Đông. Trước đây  khi xua đuổi tàu Việt Nam, họ không lộ mặt. Giờ ngang nhiên họ thể hiện là tàu TQ, chạm trán với tàu Việt Nam, cắt cáp của tàu Việt Nam trong vùng biển có chủ quyền của Việt Nam. Nếu không kịp thời cương quyết ngăn chặn phối hợp với các lực lượng quốc tế thì chắc chắn trong thời gian tới họ sẽ có những hành động  nghiêm trọng hơn nữa.
 
TQ có tính toán ghê gớm. Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt vừa thăm một số nước ASEAN, là nhằm thử xem ASEAN có thực sự đoàn kết không. Tổng Tham mưu trưởng Trung Quốc Trần Bỉnh Đức vừa  thăm Mỹ cũng nhằm thăm dò phản ứng của Mỹ. Cả với Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, họ làm hành động này để thăm dò phản ứng thế giới. Ngoài ra, nội bộ TQ hiện nay nhiều vấn đề, mà vấn đề Nội Mông rất gay gắt.
 
Clip tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam (Nguồn: Báo Năng lượng mới):
 

 Trước khó khăn trong nước, họ tìm cách chĩa ra bên ngoài để làm giảm áp lực, chống đối trong nước. Đây là hành động tính toán khôn ngoan, có bước đi chủ ý, không phải manh động, không xuất phát từ ý kiến của một vài cá nhân nào. Nhưng Việt Nam luôn khẳng định biển Đông là của mình, không ai có thể xâm phạm được.

´ Theo nghiên cứu của ông, đội tàu hải giám của TQ có vai trò gì trên biển và họ đã phát triển các đội tàu này đến mức nào?

- Tôi cho đó là những chiến hạm giả làm tàu tuần tra, ngư chính. Các tàu này có trọng tải mấy nghìn tấn, tốc độ mấy chục kilômét/giờ, chạy liên tục hàng mấy tháng, trực thăng có thể đỗ được, quá mạnh so với tàu cá vài trăm mã lực của Việt Nam. Họ còn nói làm sao cứ 10 nghìn kilômét vuông trên biển thì họ có một tàu tuần tra như vậy và cần 80 tàu ở biển Đông. Hiện họ mới có 50 chiếc thôi, chắc chắn họ sẽ tăng cường lực lượng này.

´ Tại sao tàu TQ luôn quấy nhiễu tàu Việt Nam ở biển Đông?

- Theo luận điệu của họ, Việt Nam có nhiều đảo nhất ở Trường Sa. Việt Nam gần nhất  với TQ, Việt Nam là nước kiên cường anh dũng, họ cho rằng đối thủ chủ yếu của TQ ở biển Đông là Việt Nam. Các nước khác ở xa TQ, có nước là đồng minh với Mỹ, họ  không dễ bắt nạt. Philippines có hiệp ước gần như đồng minh quân sự với Mỹ, tàu TQ đến hải phận Philippines thì bị máy bay của Philippines  ra chặn  thì họ phải rút. Ta chịu sức ép nhiều hơn, nhưng không phải ta không thể đấu tranh.

´ Vậy ta nên đấu tranh theo hướng nào, thưa ông?

- Để ngăn chặn những ý đồ của họ, về đối ngoại ta phải giương cao ngọn cờ chính nghĩa, công khai với thế giới việc TQ chèn ép Việt Nam ở biển Đông, bắt và  đâm tàu ngư dân, cắt lưới của ngư dân, để thế giới thấy rằng nhà cầm quyền bá quyền TQ ỷ thế mạnh ăn hiếp Việt Nam, để tranh thủ sự đồng tình của nhân dân thế giới và người dân TQ có công bằng công chính, đặc biệt là tăng cường đoàn kết với ASEAN.

Về đối nội phải đoàn kết nhất trí mọi người Việt Nam như một, nhận rõ ta muốn làm bạn với TQ, muốn làm ăn yên ổn hoà thuận với láng giềng này, nhưng với điều kiện không thể động chạm đến lãnh thổ, động chạm đến chủ quyền của ta. Mấy nghìn năm trước phong kiến TQ muốn áp đặt, muốn Việt Nam thành thuộc địa, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn đứng dậy, trở thành một nước như bây giờ.

Chúng ta muốn chung sống, nhưng phải rõ ràng. Cha ông ta có lúc muốn nhân nhượng, nhưng khi bị xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, sự tôn nghiêm dân tộc, thì anh có là ai, mạnh đến chừng nào, chúng ta vẫn đứng dậy bảo vệ sự tôn nghiêm chủ quyền. Lịch sử chứng minh rằng Việt Nam có thể tạm thua, nhưng rút cục người chiến thắng vẫn là Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!
 
Nói một đằng, làm một nẻo

Gần 10 năm nay, lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố với cộng đồng quốc tế là Trung Quốc phát triển hoà bình. Các chính khách, học giả Trung Quốc đã và đang tận dụng mọi cơ hội để quảng bá tư tưởng Trung Quốc phát triển hoà bình. Họ ra sức thuyết phục cộng đồng quốc tế là sự phát triển của Trung Quốc không đe doạ ai, mà chỉ mang lại cơ hội phát triển cho các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực.

Trung Quốc là Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là người đề xướng 5 nguyên tắc chung sống hoà bình, là một bên ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC – 2002).

Đối với Việt Nam, lãnh đạo cao nhất Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã cam kết xây dựng quan hệ Việt - Trung theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và hai bên là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt của nhau.
Tháng 10.2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có điện gửi những người đồng cấp các nước ASEAN, trong đó cam kết: Trung Quốc muốn tạo dựng “một vùng biển hoà bình và hợp tác”.

Từ 21-23.12.2010, tại Côn Minh, Trung Quốc và các nước ASEAN đã có phiên họp vòng 5 nhóm công tác liên hợp về thực hiện DOC. Trước và sau cuộc họp này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã công khai tuyên bố với thế giới: “Trung Quốc luôn coi trọng cao độ và thực hiện nghiêm túc DOC, nhằm tăng cường lòng tin chính trị, thúc đẩy hợp tác ở biển Đông, tạo điều kiện có lợi cho giải quyết tranh chấp, cùng nhau giữ gìn hoà bình và ổn định ở biển Đông”.

Việt Nam và các nước ASEAN nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung mong muốn Trung Quốc có thái độ và cách ứng xử tại biển Đông như những điều họ đã nói, đã cam kết.

Lê Văn Cương
(Thiếu tướng, PGS-TS Viện Chiến lược và khoa học công an)
 
 

Theo Mỹ Hằng

Lao Động