1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Việt Nam chính thức đảm nhận chức Chủ tịch HĐBA Liên Hiệp Quốc

Hôm nay (1/7), Việt Nam chính thức đảm nhận ghế Chủ tịch luân phiên HĐBA Liên Hiệp Quốc. Theo ông Lê Hoài Trung, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, ghế Chủ tịch HĐBA do Việt Nam đảm nhiệm rơi vào thời điểm có nhiều diễn biến quốc tế quan trọng.

Ông Trung cho biết công việc của Chủ tịch HĐBA tương đối nặng, nhiệm vụ này “nặng” hơn đối với Việt Nam do lần đầu tiên đảm nhiệm, lại rơi vào thời điểm có nhiều diễn biến quốc tế quan trọng và phải chuẩn bị Báo cáo hàng năm cho kỳ họp của Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 tới, chưa kể sự kiện bất thường xảy ra trong tháng.

 

Có thể hình dung những công việc Việt Nam phải thực hiện trong tháng Chủ tịch luân phiên HĐBA như thế nào, thưa ông?

 

Việt Nam phải xây dựng chương trình làm việc cho cả tháng cũng như chương trình nghị sự cho từng cuộc họp. Phải chủ trì, điều hành những cuộc họp chính thức hoặc không chính thức của HĐBA. Riêng cuộc họp cấp Đại sứ có khoảng 40 phiên và để có cuộc họp cấp Đại sứ  phải có rất nhiều cuộc họp chuẩn bị khác.

 

Ngoài ra, nước Chủ tịch phải đại diện cho HĐBA trong quan hệ với báo giới cũng như với các đối tác, các tổ chức khác như  Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Xã hội...

 

Việt Nam cũng phải chuẩn bị Báo cáo hàng năm tất cả các hoạt động của HĐBA với hơn 50 nội dung.  Trong khi đó, chương trình nghị sự  trong tháng 7 có khoảng 14 đến 15 vấn đề quốc tế, trong đó những vấn đề được cộng đồng thế giới dành nhiều sự quan tâm như vấn đề Trung Đông, vấn đề Kosovo, Somali, vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên...

 

Không ngoại trừ khả năng trong tháng 7 có thể nảy sinh thêm vấn đề phức tạp mới như diễn biến ở Zimbabue.

 

Thời điểm Việt Nam đảm nhận ghế Chủ tịch HĐBA, nhiều vấn đề quốc tế có những chuyển biến quan trọng như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông, điều này đặt ra những thử thách trong xử lý ngoại giao đa phương tại HĐBA như thế nào? 

 

Trong thách thức xuất hiện những cơ hội. Điều thuận lợi đó là Việt Nam chủ trương theo đuổi đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng làm bạn với các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, tình hình quốc tế và khu vực đang phát triển theo xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển

 

Đối với những vấn đề, thách thức mới đặt ra, Việt Nam sẽ cùng các nước tìm giải pháp phù hợp với mục tiêu phấn đấu vì hòa bình trên cơ sở nguyên tắc, chức năng nhiệm vụ của HĐBA cũng như nguyên tắc luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ đồng thời tính tới lợi ích của các bên.

 

Vai trò, tiếng nói xử lý các vấn đề quốc tế của Chủ tịch HĐBA như thế nào? Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội này để nâng cao hình ảnh, vị thế trong đời sống chính trị quốc tế?

 

HĐBA là cơ quan có trách nhiệm hàng đầu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến duy trì hòa bình, an ninh quốc tế của LHQ.

 

Khi ngồi ở ghế Chủ tịch HĐBA, tiếng nói của Việt Nam sẽ được tôn trọng hơn. Khi có vấn đề phức tạp nảy sinh, các nước thành viên HĐBA có thể đề nghị chủ tịch HĐBA bàn bạc với các nước liên quan hoặc trong khu vực đóng vai trò trung gian hòa giải hoặc tìm hiều tình hình để cùng với Tổng thư ký LHQ đánh giá, tìm ra giải pháp cho vấn đề.

 

Chủ tịch HĐBA có vai trò quan trọng điều phối các cuộc họp giải quyết các vấn đề quốc tế tại HĐBA. Cuộc họp thành công hay không phụ thuộc vào vai trò của Chủ tịch. Nếu anh tham vấn tốt giữa các bên cuộc họp sẽ diễn ra thành công. Nếu tham vấn không tốt nhiều khi cuộc họp không tổ chức được. Điều hành một cuộc họp, mời các bên nào tham gia, bên nào phát biểu, dẫn dắt vấn đề đều có vai trò của Chủ tịch.

 

Nhiều nước muốn tranh thủ tiếng nói của Việt Nam

 

Nhìn lại nửa năm thực hiện vai trò là Ủy viên không thường trực HĐBA, theo ông, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng nào?

 

Theo thông tin của phái đoàn Việt Nam tại LHQ, các nước là thành viên HĐBA và các nước bên ngoài, các nước Không liên kết, các nước có quan hệ truyền thống đã dành sự đánh giá cao ở nhiều cấp độ khác nhau về kết quả công việc mà Việt Nam đảm nhiệm 6 tháng qua, nhất là trên nhiều vấn đề trực tiếp liên quan đến mỗi nước.

 

Ngoại trưởng Serbia đã đánh giá cao lập trường nguyên tắc của Việt Nam trong vấn đề Serbia và Kosovo khi đến thăm Việt Nam, cộng đồng quốc tế đánh giá tốt việc Việt Nam tham gia xử lý kiềm chế xung đột ở Somali, hạn chế khả năng bùng phát khủng hoảng ở Kenya, xây dựng nghị quyết gia hạn hoạt động gìn giữ hòa bình ở Đông Timor...

 

Tất cả các hoạt động đều nhằm phát huy vai trò của HĐBA trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế theo tôn chỉ, mục đích của LHQ, vừa đảm bảo lợi ích chính đáng của các bên, qua đó góp phần tạo thuận lợi trong môi trường quan hệ quốc tế và khu vực.

 

Tham gia HĐBA với vai trò Ủy viên không thường trực, Việt Nam có thêm cơ hội nâng cao vị thế và mở rộng quan hệ song phương với các đối tác trong cộng đồng quốc tế. Thực tế, có nhiều nước trong và ngoài HĐBA muốn tranh thủ vị thế, tiếng nói của Việt Nam trong xử lý các vấn đề quốc tế.

 

Có những khu vực như châu Phi, Việt Nam vốn có quan hệ truyền thống nhưng lại hạn chế hợp tác do xa cách địa lý. Nhờ tham gia giải quyết những vấn đề của khu vực này trong khuôn khổ HĐBA, Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa quan hệ song phương với các nước ở khu vực này.

 

Có những nhận định trước khi vào HĐBA, Việt Nam sẽ phải tỏ thái độ rõ ràng hơn trong các vấn đề quốc tế. Vậy đâu là điểm mấu chốt để Việt Nam đạt được sự hợp tác cả đa phương lẫn song phương hài hòa như ông chỉ ra?

 

Có nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là đường lối đối ngoại của Việt Nam: đa phương hóa, đa dạng hóa, làm bạn, làm đối tác tin cậy với các nước, phần đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

 

Khi xử lý bất cứ vấn đề nào, Việt Nam đều đặt mục tiêu phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã xác định hoạt động theo tinh thần vừa có trách nhiêm, xây dựng, vừa là đối tác, đồng thời đảm bảo tôn chỉ, mục đích của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

 

Nếu khác biệt quan điểm, Việt Nam chủ động gặp gỡ để giải thích lập trường. Việt Nam cũng tranh thủ tham vấn các nước có cùng quan điểm, ý kiến của các nước trong ASEAN, khu vực để đạt sự đồng thuân làm sao thể hiện đường lối đối ngoại, chính sách, vừa thể hiện nguyên tắc quốc tế đồng thời cũng là có tiếng nói chung của nhiều nước.

 

Có những vấn đề “khó”, Việt Nam xử lý căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của HĐBA, không đi chệch ra khỏi chức năng, nhiệm vụ đó.

 

Việt Nam cũng chủ động nghiên cứu sớm, hiểu được bản chất vấn đề, lợi ích, quan điểm của các nước, từ đó sớm xây dựng lập trường đảm bảo các nguyên tắc chung đồng thời tính tới lợi ích các bên liên quan.

 

Theo Xuân Linh

VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm