Việt Nam: Biểu tượng hy vọng trong thế giới đầy hiểm họa
"Những ai yêu chuộng hòa bình và tự do trên thế giới này đều biết ơn Việt Nam. Cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của các bạn mà đỉnh cao là chiến thắng 30/4/1975 cộng với sự bền bỉ trong công cuộc nhằm tái thiết đất nước, cổ vũ tinh thần hòa giải và sống hòa bình với các dân tộc khác, được coi là biểu tượng hy vọng trong một thế giới đầy hiểm họa ngày nay". Ông Max Elbaum - Người lãnh đạo phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam bang California (Mỹ), trong những năm 60 - 70 thế kỷ 20 tâm sự
Như hầu hết những thanh niên Mỹ lớn lên trong những năm 1950, Max Elbaum càng đi sâu tìm hiểu sự dính líu quân sự ngày càng tăng của Mỹ tại Việt Nam càng thấy khác xa so với những điều được học trên ghế nhà trường.
Max Elbaum rút ra kết luận: "Sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh đế quốc, bất công và phân biệt chủng tộc. Cuộc chiến này không nhằm mục đích giúp đỡ nhân dân Việt Nam mà nhằm thiết lập sự cai trị của Mỹ trên toàn lãnh thổ Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á".
Cũng chính vì vậy, chàng sinh viên Max Elbaum tham gia vào phong trào phản chiến từ năm 1966 với việc thuyết giảng cho mọi người dân Mỹ hiểu rõ về bản chất của cuộc chiến và tổ chức các cuộc diễu hành và các hoạt động phản chiến khác, chủ yếu trong các khu ký túc xá.
"Chúng tôi tổ chức các diễn đàn giáo dục và các cuộc hội thảo, phân phát tài liệu, bảo trợ cho các diễn giả và tổ chức các cuộc diễu hành phản chiến. Bất cứ lúc nào khi người phát ngôn của chính phủ có mặt tại các thành phố của chúng tôi, thì chúng tôi đều tổ chức các hoạt động phản đối.
Chúng tôi phản đối sự đồng lõa của các trường đại học đối với quân đội Mỹ, phản đối sự hiện diện của các tổ chức quân sự Mỹ và các nhà tuyển quân tại các khu ký túc xá. Tôi vận động mọi người tham gia vào phong trào phản chiến có quy mô trên toàn quốc diễn ra ở Washington mùa thu 1969" - Max nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Max và những người bạn thành lập một nhóm gọi là "Tập hợp những nhân viên y tế phản đối chiến tranh" . Họ phân phát tài liệu tại nơi làm việc, phối hợp chặt chẽ với các nhóm cựu chiến binh, bao gồm cả các cựu chiến binh phản đối chiến tranh Việt Nam tham gia diễu hành nhằm tuyên truyền tới công chúng Mỹ.
Năm 1975, khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Max và các đồng nghiệp đã tổ chức lễ kỷ niệm và các cuộc diễu hành biểu thị tinh thần đoàn kết ở Mỹ.
Năm 2003, Max đã đến thăm Việt Nam trong 2 tuần. Ông đã tới Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và Khu tưởng niệm Sơn Mỹ.
Ông có cơ hội tận mắt chứng kiến sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, tìm hiểu nền văn hóa Việt Nam và được trò chuyện, tâm sự cùng với những người dân Việt Nam thuộc mọi thành phần trong xã hội. "Tôi thấy sự độ lượng, tinh thần hiếu khách và cả sự lạc quan về tương lai ở mọi nơi trên đất nước này" - Max nói.
Max đặc biệt ấn tượng với cách mà tất cả các bảo tàng và đài tưởng niệm chiến tranh ở Việt Nam đề cao tinh thần đoàn kết của các dân tộc nhằm ngăn chặn sự bạo tàn và mất mát của chiến tranh.
Max tâm sự: "Thật buồn khi tôi phải nói rằng ở chính nước Mỹ - nơi mà phải chịu ít ảnh hưởng của cuộc chiến hơn nhiều so với Việt Nam - thì vẫn còn rất nhiều người thiếu một tinh thần hòa giải và tình thương, điều mà tôi thấy rõ ở Việt Nam.Tôi nghĩ rằng những người dân Mỹ có nhiều điều cần phải học hỏi từ Việt Nam.
Tôi rất biết ơn người dân Việt Nam, những người đã cho tôi các bài học về lòng nhân đạo, sự công bằng và kiên định khi tôi còn là một thanh niên, những điều mà một lần nữa được khẳng định khi tôi đến thăm đất nước này cách đây 18 tháng".
Nhà cựu lãnh đạo phong trào phản chiến nhận thấy có sự liên hệ chặt chẽ giữa cuộc chiến Việt Nam và sự xâm lược và chiếm đóng của quân đội Mỹ ở Irắc ngày nay.
Max nói: "Cả hai cuộc chiến đều phản ánh xu hướng đế quốc và phân biệt chủng tộc trong lịch sử nước Mỹ. Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa rút ra được bài học từ cuộc chiến tranh Việt Nam, đó là sức mạnh quân sự không thể nhấn chìm khát vọng được sống trong độc lập và tự do của người dân ở mọi nơi trên thế giới này".
Theo TTXVN