1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Việt Nam áp dụng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng

(Dân trí) - Phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (MTR) là loại phí nhằm thực hiện xã hội hoá nghề rừng, để bảo vệ, phát triển rừng cùng các hệ sinh thái. Đặc biệt là bảo vệ nguồn nước cho việc sản xuất điện, nước sinh hoạt và hoạt động du lịch.

Ngày 1/8, TS Phạm Văn Phương, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ NN&PTNT, cho biết: “Theo quyết định 380/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 10/4/2008 (có hiệu lực từ ngày ký và có 2 năm thí điểm), phí chi trả dịch vụ MTR sẽ được thực hiện thí điểm tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La nhưng có ảnh hưởng thi hành đến nhiều tỉnh thành như Lâm Đồng, Sơn La, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hoà Bình và TPHCM.

Sau 2 năm thực hiện thí điểm, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện chính sách chi trả dịch vụ MTR để áp dụng chung trên phạm vi cả nước.

Có 3 loại dịch vụ MTR sẽ thực hiện trong đợt thí điểm này là dịch vụ về du lịch, dịch vụ về điều tiết, cung ứng nguồn nước và dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, chống bồi lắng lòng hồ. 

Trong thời gian thí điểm, phí dịch vụ sẽ tính với các biểu giá tuỳ vào đối tượng. Đối với các nhà máy thuỷ điện có giá 20 đồng/kwh điện thương phẩm, các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt được tính theo giá 40 đồng/m3 nước thương phẩm. 

Riêng các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch thì định mức chi trả tiền sử dụng dịch vụ MTR được xác định bằng 0,5 đến 2%, tính trên doanh thu du lịch thực hiện trong kỳ. Trong đó tỷ lệ % trên doanh thu du lịch sẽ do UBND tỉnh xem xét và quy định cụ thể. 

Tổng số tiền thu được từ phí chi trả MTR sẽ phân lại 10% cho các hoạt động của quỷ bảo vệ và phát triển rừng, 10% cho chi phí quản lý. Ngoài ra, 80% còn lại dùng để trả tiền công khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài cho chủ rừng có thể là các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, bản.

Ngọc Thanh