1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Việt Nam 2007 - Vẫn còn tham nhũng lớn!

(Dân trí) - Không nhiều những vụ gây chấn động như 2006 khi hệ thống các cơ quan phòng, chống tham nhũng từ trung ương tới cơ sở đã định hình và đi vào hoạt động, tuy nhiên vẫn còn đó những vụ tham nhũng khá lớn mà khi nhắc đến mỗi người dân lại chua xót!

Năm nay “cậu em” công nghệ cao PMU 112, mặc dù chưa đến tuổi lên 10 nhưng mức độ tiêu tiền nhà nước cũng khiến nhiều "tiền bối" phải nể sợ. Đó là vụ bê bối tại Ban điều hành Dự án tin học hoá cải cách hành chính giai đoạn 2001-2005 do ông Vũ Đình Thuần, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm trưởng ban.

Việt Nam 2007 - Vẫn còn tham nhũng lớn! - 1
  

Tài liệu đề án 112 vứt xó (ảnh:
An ninh Thủ đô)
.

Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước ngày 26/10: tổng mức đầu tư được duyệt cho đề án 112 là 3.836,85 tỉ đồng trong đó tổng kinh phí đã được cấp phát là 1.534,325 tỉ đồng và tổng kinh phí đã sử dụng là 1.159,636 tỉ đồng - 200 tỉ đồng đã bị thất thoát và làm trái, tương đương 20% tổng kinh phí đã sử dụng cho đề án trước khi có sự ra tay kịp thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại hội nghị trao đổi công tác phòng chống tham nhũng giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng với báo chí tổ chức ngày 17/12 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban chấp hành Trung ương về phòng chống tham nhũng, cho biết: Ngoài 8 vụ án trọng điểm mà Thủ tướng đã chỉ đạo, hiện Ban chấp hành đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ điều tra và xử lý một số vụ nghiêm trọng mới như vụ Đề án 112, vụ tổng giám đốc Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Trần Văn Khánh, vụ tham ô đất đai tại Quán Nam...

Tất nhiên sự thất bại của bất kỳ một dự án nào cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng điều rất lạ là ngay từ khi dự án bắt đầu “manh nha” đã có rất nhiều chuyên gia cảnh báo về thất bại “nhãn tiền” (trong đó có lá thứ gửi Thủ tướng của GS Phan Đình Diệu từ tháng 8/2001) nhưng rồi tất cả đã trở thành việc: Giá như!…

Đất đai vẫn tiếp tục là tâm điểm của các vụ tham nhũng trong năm 2007, tuy nhiên năm nay khái niệm quan chức “ăn đất công" không còn mới. Cao tay và sạch sẽ hơn so với năm ngoái là việc mang đất công đi ngoại giao và nhận lại những thứ sạch hơn… đất.

Vụ “hô biến” 700 ha đất công rừng cao su tại Bến Cát Bình Dương thành đất của cá nhân để nhận tiền đền bù, sau đó bị vỡ lở ra người ta mới “té ngửa” khi biết rằng tổng số tiền đến bù cho các quan lên tới hơn 500 tỷ đồng - chưa bao giờ tham nhũng ăn đất lại dễ dàng “ngon lành” đến như vậy.

Việt Nam 2007 - Vẫn còn tham nhũng lớn! - 2
  

Khu đất công hơn 700 ha đã “biếu
không” cho nhiều quan chức tỉnh
Bình Dương (ảnh: TTXVN).

Xem danh sách 14 cá nhân nhận biếu 700 ha đất gồm đủ cả “bộ sậu” chính quyền địa phương như Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, cán bộ Ban Tôn giáo UBND huyện, vợ Chủ tịch UBND huyện… cùng những người thân của các vị, chúng ta mới thấy tính nghiêm trọng của vụ tham nhũng chính sách đầu tiên được lôi ra ánh sáng.

Chính sách ở đây là những tờ trình, quyết định được những kẻ tham mưu đã nhân danh bằng chức vụ, cơ quan thẩm quyền biến tài sản của Nhà nước thành của riêng một cách tài tình, hợp pháp.

Qua vụ này chúng ta càng thấy rõ tính chất phức tạp, khó khăn của cuộc chiến chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện. Thủ đoạn của các thế lực tham nhũng ngày càng tinh vi thì cuộc chiến chống tham nhũng càng phải cam go, quyết liệt.

Sau Bình Dương thì vụ tham nhũng đất đai ở Sơn La cũng đáng để nói đến: Vẫn là bài cũ của các quan ăn đất Sơn La từ cuối năm 2000 đến 2005, các đối tượng trên đã chiếm đoạt trên 4.100 m2 đất của Nhà nước, tham ô 477.939.000 đồng, cấp đất sai quy định cho 53 trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1,5 tỉ đồng. Chưa hết nhóm đối tượng còn “trộm đất” của Nhà nước để bán thu lợi bất chính 588.269.000 đồng.

Việt Nam 2007 - Vẫn còn tham nhũng lớn! - 3
  


Các bị cáo trong vụ án tham nhũng đất ở Sơn La
bị áp giải ra tòa (ảnh: TD).

 

Các bị cáo được đưa ra xét xử gồm Trưởng, Phó phòng Tài nguyên môi trường thị xã, cán bộ phòng Quản lý Đô thị, cán bộ Ban Quản lý Dự án thị xã Sơn La… bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Mặc dù số tiền nhà nước bị thất thoát không lớn (như những vụ khác) nhưng diện tích hơn 10.000 m2 mà các đối tượng “hô biến” xứng đáng được phong “quan ăn đất” lớn nhất từ trước tới nay. Kết quả xét xử sơ thẩm với tổng số gần 50 năm tù cho các bị cáo phần nào đã “xoa dịu” dư luận.

Ngoài Bình Dương và Sơn La thì sau vụ “tai tiếng đất Đồ Sơn” cuối năm 2006, năm nay Hải Phòng tiếp tục với bê bối đất đai tại Quán Nam, Quán Sỏi… điều này lý giải hợp lý vì sao số đơn khiếu nại tố cáo trên toàn quốc trong năm 2007 thì tới 85% đơn thư thuộc lĩnh vực tố cáo (Báo cáo của Thanh tra Chính phủ)!

Vụ tiêu cực tại công Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) cũng là một điều phải nói khi ông tổng Vigecam tiếp nhận quản lý khối tài sản khổng lồ trong vụ án Lã Thị Kim Oanh nhưng lại không biết đó là tài sản của nhà nước.

Việt Nam 2007 - Vẫn còn tham nhũng lớn! - 4
  

TGĐ Trần Văn Khánh (người đi
sau) trên đường ra xe về trại
tạm giam (ảnh: VTC News).

Vụ bê bối Vigecam một lần nữa cho chúng ta thấy cần phải có một cơ chế giám sát các công ty có vốn nhà nước chặt chẽ hơn để không rồi không phải năm nào cũng có một ông "tổng" có tên trên bảng phong thần!

Chỉ tính riêng chuyện tiếp khách, thuê xe xịn được ghi trên sổ sách của Tổng Giám đốc Trần Văn Khánh (từ 2002 tới 2006) đã lên tới gần…8 tỷ đồng. Kéo bè cánh, lập công ty “sân sau”… để rút tiền nhà nước, nhẩm tính trung bình mỗi năm ông Khánh đã “đi hết” một xe tương đương 600 triệu đồng nên nhiều người đã ví von rằng ông tổng này cưỡi hết 600 con bò của dân. Trong khi đó báo cáo tài chính của Vigecam thì con số lợi nhuận sau thuế hàng năm chỉ bằng phân nửa số tiền tiếp khách, thuê xe của giám đốc.

Thế nhưng điều nực cười nhất ở đây là sau 2 tháng thanh tra "cực kỳ nghiêm túc” vào tháng 2/2007 thanh tra Bộ NN - PTNT cho rằng mọi tố cáo, khiếu nại của những người có tâm huyết đều hoàn toàn sai sự thật… Chỉ khi báo chí, Thanh tra liên ngành, cơ quan công an vào cuộc thì bộ mặt thật ông "tổng" chơi ngông mới dần lộ diện.

Sau khi rầm rộ khánh thành, cứ tưởng mọi chuyện đã êm thấm song công trình Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (bằng đồng cao 12,6m, nặng 220 tấn) đã sử dụng hơn 3 năm mà vẫn chưa thanh quyết toán được.

Việt Nam 2007 - Vẫn còn tham nhũng lớn! - 5
  

Quang cảnh hoành tráng khi
vận chuyển tượng đài Điện
Biên Phủ lên Điện Biên (ảnh: TD).

Dự án tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ có tổng dự toán 54 tỷ đồng, nhiều người dân và các cựu chiến binh cả nước rất phấn khởi khi tượng đài hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 2004) nhưng đáng tiếc, ngay sau đó lại xảy ra sự cố lún sụt nền tượng đài làm Nhà nước phải chi thêm nhiều tỉ đồng khắc phục.

Nguyên nhân sụt lún do đâu? Câu trả lời là những người liên quan như Phó giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Điện Biên, trưởng Ban quản lý dự án xây dựng tượng đài, Giám đốc Công ty Mỹ thuật T.Ư… trong năm 2007 đã bị khởi tố về các tội “cố ý làm trái”, “tham ô tài sản”, “lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vậy là một công trình được đánh giá có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng đối với dân tộc cũng không thoát khỏi… tham nhũng.

Năm nào cũng vậy, sau khi nói về những tiêu cực chúng tôi cũng chọn ra vài sự kiện tiêu biểu trong quá trình đấu tranh chống tiêu cực. Người mà trong năm qua không những được báo chí Việt Nam “có bài viết” mà còn được nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới ca ngợi đó là Bà giáo già về hưu Lê Hiền Đức (78 tuổi).

Việt Nam 2007 - Vẫn còn tham nhũng lớn! - 6
  

“Bà già lắm chuyện” Lê Hiền Đức
(ảnh: AFP).

Vượt qua tất cả những thị phi của người đời như “bà già lắm chuyện”, gọi điện thoại dọa nạt, thậm chí gửi cả vòng hoa tang đến cửa để “khủng bố” tinh thần, bà Đức vẫn trở thành 1 trong 5 ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng Liêm chính do tổ chức minh bạch quốc tế bầu chọn hàng năm (Bà Đức đã nhận giải Liêm chính tại Berlin (Đức) vào ngày 21/1 vừa qua).

Việc ra đời cổng thông tin phòng chống tham nhũng http://chongthamnhung.thanhtra.gov.vn năm 2007 cũng là nỗ lực đáng kể của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng và là một biểu hiện tốt cho thấy các cơ quan nhà nước luôn sẵn sàng bắt tay hợp tác với tất cả người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Vẫn biết “cuộc chiến” chống tham nhũng là khó khăn, dài hơi và cần sự tham gia của cả hệ thống xã hội bởi chúng ta phải đấu tranh lại với chính những đồng nghiệp, bạn bè bị đồng tiền làm sa ngã thậm chí phải chiến thắng chính bản thân nhưng nhìn lại một năm với những nỗ lực và hành động mạnh tay của Chính phủ, những đóng góp của toàn xã hội đã mang lại diện mạo mới trong bức tranh chống tham nhũng của Việt Nam: tươi sáng hơn và đầy niềm tin.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị về công tác phòng, chống tham nhũng với lãnh đạo 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc ngày 22/12/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những thắng lợi bước đầu, sự chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý tham nhũng, đặc biệt là trong năm 2007 (năm đầu tiên thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng) mà các Bộ, ngành trung ương và địa phương đã đạt được.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ ý nghĩa của năm 2008, năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2006-1010) và cho rằng, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm bản lề, thì công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải luôn được coi trọng, không thể chủ quan, lơ là.

Thanh Ngọc - Thành Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm