Việt - Mỹ trở thành hình mẫu trong quan hệ quốc tế về sự hàn gắn
(Dân trí) - Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, ký Hiệp định thương mại song phương, trở thành Đối tác Chiến lược, nâng lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Việt Nam - Mỹ được coi là hình mẫu trong quan hệ quốc tế.
Chiều tối 22/9 theo giờ địa phương, tại trụ sở Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp mặt thân mật với các bạn bè Mỹ.
Đây là hoạt động thường xuyên của lãnh đạo Việt Nam mỗi khi đến Mỹ, nhằm tri ân sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu của các bạn bè Mỹ trong những thời điểm khó khăn nhất.
Theo Thủ tướng, quan hệ Việt - Mỹ đã trở thành hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về sự hàn gắn, hợp tác giữa các cựu thù, với những bước phát triển vượt bậc kể từ khi bình thường hóa năm 1995, ký Hiệp định Thương mại song phương năm 2001, trở thành Đối tác toàn diện năm 2013 và Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình hợp tác và phát triển bền vững năm 2023.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác trên cả 10 trụ cột của khuôn khổ quan hệ mới, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng đề nghị các bạn bè Mỹ tiếp tục tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, đóng góp nhiều hơn nữa trong vun đắp cho quan hệ Việt Nam - Mỹ trên tinh thần tôn trọng thể chế, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau.
Những người bạn Mỹ chúc mừng những thành công của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, nhất là những thành tựu to lớn sau 35 năm đổi mới, cả về đối nội và đối ngoại. Họ tin Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đóng góp tích cực hơn nữa cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thế giới đang trải qua giai đoạn điều chỉnh rất lớn, mang lại nhiều thách thức nhưng cũng đi kèm rất nhiều cơ hội. Đây là lý do để thúc đẩy thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và thiết lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Phương châm là đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ông Dũng thông tin về việc ông Cường Đỗ, một thành viên của mạng lưới, nguyên Giám đốc chiến lược toàn cầu của Samsung, đã nhận lời làm cố vấn chiến lược cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia trong lĩnh vực bán dẫn và y tế.
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải luôn trong trạng thái đổi mới sáng tạo, bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp.
Đánh giá cao việc thiết lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được nhiều người hưởng ứng, Thủ tướng cho rằng để mạng lưới lớn mạnh không ngừng, điều quan trọng là phải "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên, các bên tham gia.
"Đổi mới sáng tạo phải gắn với thực tiễn và phải mang lại hiệu quả cao hơn, cân đong đo đếm được. Đây là xu thế toàn cầu, do đó phải phát huy đoàn kết quốc tế, đoàn kết trong nước để tạo ra sức mạnh", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông đề nghị các hoạt động đổi mới sáng tạo của mạng lưới cần tập trung thúc đẩy các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và lĩnh vực hạ tầng…
Hoài Thu (Từ New York, Mỹ)