1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỷ niệm 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2015):

Viết huyết thư xin được nổ khối bộc phá 1.000kg dưới đồi A1

(Dân trí) - Nằm dưới hầm chờ đợi được chiến đấu, lòng yêu nước, căm thù giặc khiến những chiến sĩ trong cuộc chiến Điện Biên Phủ năm xưa không thể ngồi yên. Họ đã cắn ngón tay lấy máu viết huyết thư mong được Ban Chỉ huy đồng ý cho nổ bộc phá.

Đó là câu chuyện xúc động của của người cựu binh già Nguyễn Văn Láng (SN 1932, ngụ làng Hạc, TP Thanh Hóa). Ông là một trong những nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến Điện Biên Phủ năm xưa, người góp công vận chuyển và đặt khối bộc phá 1.000kg dưới đồi A1.

Cắn tay viết “tâm thư”                                                                                

Sinh ra trên mảnh đất anh hùng, nổi tiếng với cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng, lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc được chàng trai Nguyễn Văn Láng nung nấu từ thuở nhỏ. Năm 1945, Nguyễn Văn Láng theo học trường Thiếu sinh quân (Bộ Quốc phòng). Đến năm 1947, cậu thiếu niên 15 tuổi đã bắt đầu tham gia chiến đấu ở mặt trận Lào. Năm 1953, ông được điều về Tiểu đoàn 2, Đại đội 4, Sư đoàn 304, trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông bảo mấy chục năm đi qua rồi nhưng ký ức những ngày chuẩn bị cho cho cuộc tổng tiến công đánh vào tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ông không thể quên được. Gian khổ, hy sinh, mất mát, đau thương nhưng oanh liệt và rất đỗi tự hào. Ngày ấy, ông cùng đồng đội xác định “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, không màng đến bản thân, không sợ thịt nát xương tan”, chỉ mong được cầm súng để thỏa lòng căm thù giặc.

Cựu binh Nguyễn Văn Láng hồi tưởng những năm tháng chiến đấu nơi mặt trận Điện Biên Phủ
Cựu binh Nguyễn Văn Láng hồi tưởng những năm tháng chiến đấu nơi mặt trận Điện Biên Phủ

Ông kể: “Đầu năm 1954, được lệnh bộ đội ta sẽ phải vận chuyển một khối lượng bộc phá lớn đến căn cứ điểm đồi A1, việc này không phải ai cũng được chọn để giao phó trách nhiệm nhưng khi được hỏi ai có thể đi thì ai cũng giơ tay mong mình được chọn để làm nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Cuối cùng tôi cũng là một trong số những người được chọn tham gia vận chuyển khối bộc phá”.

“Con đường vận chuyển bộc phá khá xa, chỉ có thể đi ban đêm chứ không thể đi ban ngày vì sợ địch sẽ phát hiện. Đêm nào cũng vậy, mỗi anh em mang trên mình khối bộc phá chừng 10-15kg rồi băng rừng, vượt hào đi. Rừng núi âm u hiểm trở, đá tai mèo găm dưới chân, máu bật ra ở khắp các đầu ngón chân. Trên vai gùi bộc phá máu cũng chảy ròng ròng nhưng lúc ấy không hiểu sao không còn cảm nhận được sự đau đớn nữa, anh em cứ thể bám vào chiến hào mà đi băng băng” – ông Láng nhớ lại.

Điều khiến ông nhớ nhất đó là sau công việc đặt bộc phá nhưng thời cơ chưa đến, chúng ta chưa thể cho nổ được, vậy là ông cùng đồng đội phải chờ đợi. Mỗi ngày đơn vị ông vừa đào hào, vừa chiến đấu. Đồng đội mỗi ngày lại hy sinh thêm vài người. Chờ càng lâu, lòng căm thù giặc càng lớn, thế là ông và đồng đội của mình đã cắn ngón tay lấy máu viết một bức “tâm thư” vào chiếc khăn gửi Ban chỉ huy mặt trận với mong muốn được chiến đấu, được nổ bộc phá để tiêu diệt quân thù.

“Sau 15 ngày chờ đợi, cuối cùng, khi nhận được lệnh tổng tiến công chúng tôi mừng lắm. Chẳng ai màng đến bản thân, không sợ đổ máu, không sợ hy sinh, khí thế chiến đấu cứ hừng hực. Đó là vào chiều 13/3/1954, đơn vị của tôi được lệnh cùng các đơn vị của bộ đội ta tấn công mở màn cho đợt 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm đập tan thế trận phòng ngự vòng  ngoài của địch ở phía bắc và Đông Bắc. Chiến dịch mở đầu bằng trận Him Lam, tiếp đó tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Độc Lập, bao vây, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch”.

Cựu binh Nguyễn Văn Láng hồi tưởng những năm tháng chiến đấu nơi mặt trận Điện Biên Phủ
Để có được chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu, biết bao chiến sĩ đã đổ máu trên mặt trận này (Ảnh: Tư liệu)

Nhắc về giây phút chứng kiến quả đồi A1 nổ tung dưới 1.000kg bộc phá, người cựu binh già hồi tưởng trong niềm tự hào: “2h sáng ngày 6/5/1954, trong màn đêm im lặng, bỗng có một tia chớp, ánh lửa kèm theo tiếng nổ long trời lở đất vang lên,  sáng rực cả một vùng trời Điện Biên. Đến sáng thì ta đã giải phóng được khá nhiều vùng. Giữa trưa ngày 7/5, các mũi tấn công của ta liên tiếp áp sát, siết chặt vòng vây, tiến sâu vào “sống tủy” của Đờ Cát. Gần tối thì chúng đầu hàng vô điều kiện. Các đơn vị chia thành từng tổ vào từng hầm bắt nó giơ tay đầu hàng. Quân đội ta vui mừng quá hô to “ta thắng rồi các đồng chí ơi”, lúc ấy tôi mới biết mình vẫn may mắn còn sống sót”.

“Hai món quà của Bác Hồ là báu vật cuộc đời tôi”

Với người cựu binh già Nguyễn Văn Láng, ký ức về Bác Hồ luôn là một điều gì đó thiêng liêng lắm, chẳng thế mà khi kể câu chuyện được gặp Bác, cảm xúc của hơn 60 năm trước lại ùa về. Ông rơm rớm nước mắt, xúc động không nói nên lời. Ông bảo cuộc đời mình, ông chưa bao giờ quên được những khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc được ôm Bác, được nhận trên tay món quà Bác tặng. Cho đến bây giờ, hai món quà mà bác tặng ông là chiếc cốc và huy hiệu chiến sĩ Điện Biên ông xem đó như báu vật cuộc đời mình. 

Chiếc cốc Bác Hồ tặng, ông Láng vẫn gìn giữ cho đến bây giờ
Chiếc cốc Bác Hồ tặng, ông Láng vẫn gìn giữ cho đến bây giờ

“Lần đầu tiên gặp Bác là trước ngày tổng tiến công khoảng 15 - 20 ngày, đơn vị tôi được Bác Hồ đến thăm, động viên chiến đấu. Tại đây, Bác ân cần thăm hỏi tình hình ăn, ở của chúng tôi, sau đó tặng cho 6 chiến sỹ trong đó có tôi mỗi người 1 chiếc cốc uống nước với dòng chữ “Nhất định thắng lợi”. Đón nhận chiếc cốc từ tay Bác, chúng tôi xem đó như mệnh lệnh. 

Bác nói: Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với Quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được. Chỉ thị của Bác đã thôi thúc chúng tôi quên đi tính mạng của mình, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm. Chiếc cốc Bác tặng chúng tôi gửi lại người dân địa phương, sau khi chiến dịch thắng lợi tôi quay lại thăm các mẹ và nhận lại chiếc cốc, lưu giữ cho đến bây giờ”, ông bồi hồi kể.

Chiếc cốc Bác Hồ tặng, ông Láng vẫn gìn giữ cho đến bây giờ
Người cựu binh hạnh phúc khi khoe huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên" do chính tay Bác Hồ gắn lên ngực ông.

“Lần thứ hai là vào thời gian sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nước ta đã tổ chức mừng chiến thắng tại thủ đô Hà Nội. Khi tôi đang xếp hàng ngồi dưới sân khấu bỗng nghe tên mình được gọi trên loa. Tôi vô cùng bất ngờ và vui sướng đến mức khi bước lên khán đài đôi chân vẫn run bần bật. Tôi là một trong số những chiến sĩ được Bác Hồ tự tay gắn huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” vì có thành tích xuất sắc. Kỷ vật quý giá và thiêng liêng nhất trong cuộc đời tôi là hai món quà mà Bác Hồ tặng...” – ông Láng kể lại trong niềm hạnh phúc.

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm