Viện trưởng VKSND phải thông báo kết quả giải quyết đơn do báo chí gửi tới
(Dân trí) - Khi nhận được đơn do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các cơ quan báo chí chuyển đến, Viện trưởng VKSND các cấp có trách nhiệm báo cáo hoặc thông báo về việc xử lý, giải quyết cho cơ quan, người chuyển đơn biết theo quy định của pháp luật.
VKSND Tối cao vừa ban hành Quyết định số 51/2016 kèm theo Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Theo đó, Viện trưởng VKSND các cấp trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân định kỳ mỗi tháng ít nhất 1 ngày (đối với vụ việc đã được giải quyết bằng văn bản có hiệu lực pháp luật nhưng công dân đề nghị kiểm tra lại; vụ việc công dân đã gửi đơn nhiều lần, có dấu hiệu oan, sai, được dư luận quan tâm nhưng chưa được xem xét, giải quyết) hoặc tiếp công dân đột xuất trong vụ việc có tính chất gay gắt, phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Khi Viện trưởng vắng mặt thì một Phó viện trưởng được Viện trưởng ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định.
Viện trưởng VKSND Tối cao có trách nhiệm báo cáo các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; thông báo với Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của ngành Kiểm sát theo quy định của pháp luật; báo cáo Quốc hội công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo quy định tại Luật tổ chức VKSND.
Khi nhận được đơn do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các cơ quan báo chí chuyển đến, Viện trưởng VKSND các cấp có trách nhiệm báo cáo hoặc thông báo về việc xử lý, giải quyết cho cơ quan, người chuyển đơn biết theo quy định của pháp luật.
Đơn gửi đến viện kiểm sát từ tất cả các nguồn (kể cả đơn gửi đến lãnh đạo Viện kiểm sát) đều phải được tiếp nhận thống nhất qua một đầu mối là đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để xử lý và quản lý; không tiếp nhận đơn ngoài nơi quy định.
Về các bước cụ thể trong thực hiện việc kiểm sát, Quyết định 51 quy định phải nghiên cứu đơn hoặc văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc các nguồn thông tin khác và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Nếu cần thiết, có thể làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người tố cáo, người bị tố cáo, người có liên quan để xác minh những vấn đề cần làm rõ hoặc thu thập những thông tin, tài liệu, chứng cứ cần thiết khác.
Sau đó đối chiếu với các quy định tương ứng của pháp luật để xác định dấu hiệu vi phạm hoặc kết luận vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (về thẩm quyền, thủ tục, thời hạn và nội dung giải quyết).
Việc tiến hành kiểm sát và kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị đều phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ phải có đầy đủ các văn bản kiểm sát hoặc kiểm tra đã ban hành theo quy định và các tài liệu liên quan khác. Hồ sơ phải được đánh số trang theo thứ tự tài liệu và được lưu trữ theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định 51, người tiếp công dân phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, am hiểu thực tế, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, nhiệt tình, bảo đảm yêu cầu về sức khỏe và có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.
Kha Xuân Lộc