"Việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm"
(Dân trí) - Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm so với thời hạn được thuê nhưng chưa được nêu cụ thể .
Chiều 24/7, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của Ngân sách Nhà nước (khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đã chủ động xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có phương án điều hành Ngân sách Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt quy định của pháp luật về thu Ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành, sử dụng Ngân sách Nhà nước. Ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, năm 2020 đã thực hiện tinh giảm biên chế gần 24 nghìn người.
Ông Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển", trọng tâm chỉ đạo, điều hành là tiếp tục thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân; vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm trật tự xã hội, phát triển kinh tế; phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế xã hội được Quốc hội thông qua (tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 6%, bình quân GDP đầu người khoảng 3.700 USD).
"Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tiêu chí đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức"- Bộ trưởng Tài chính cho hay.
Một số Bộ, cơ quan Trung ương có trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Tình trạng xin lùi, rút dự án khỏi chương trình xây dựng pháp luật vẫn diễn ra; việc phát hiện, xử lý một số văn bản không phù hợp chưa kịp thời; chất lượng của một số văn bản về quản lý kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu.
"Chính phủ cũng chưa làm rõ và có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn hiện nay ở một số lĩnh vực như vướng mắc khi triển khai các dự án BT dở dang được tiếp tục thực hiện; bất cập trong ban hành, thực hiện đơn giá, định mức nói chung, nhất là lĩnh vực xây dựng. Bất cập trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công, mua sắm thiết bị, vật tư, vắc xin phòng chống dịch Covid-19" - ông Cường nói.
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn còn diễn ra. Một số Bộ, cơ quan Trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng nhưng Chính phủ chưa thống kê trong báo cáo, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý. Việc sắp xếp, xử lý nhà, đất của một số địa phương còn chậm, đạt dưới 50%.
"Chính phủ đã nêu trong báo cáo một số trường hợp phải đi thuê nhà thương mại trong khi quỹ nhà công vụ còn có thể bố trí được. Việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm so với thời hạn được thuê nhưng chưa nêu cụ thể các trường hợp này và giải pháp khắc phục" - ông Cường dẫn chứng.
Việc phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu, chính quyền địa phương trong lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017 của Chính phủ chưa tốt, chậm, nhất là các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, TPHCM; việc xử lý các dự án yếu kém chậm, còn nhiều vướng mắc.
"Hoạt động lừa đảo, tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao còn xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng tại các thành phố lớn vẫn bức xúc, chưa được giải quyết dứt điểm, gây lãng phí nguồn lực xã hội" - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu thực trạng.