1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Việc TPHCM ngập, cả thế giới đều biết...”

(Dân trí) - “Việc thành phố ngập thì cả nước, cả thế giới đều biết rồi chứ không cần phải thanh minh gì nữa. Phải xác định được lỗi chủ quan trong công tác thực hiện các dự án chống ngập. Đừng đổ lỗi tại môi trường hay tại đất…” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo.

“Việc TPHCM ngập, cả thế giới đều biết...”
Đường Hòa Bình (đoạn trước Đầm Sen, quận 11) là điểm ngập bao năm nay vẫn chưa được xóa (Ảnh: Quốc Bảo)

Trong buổi làm việc với Sở GTVT TPHCM và đại diện các cơ quan, ban ngành về tình hình ngập úng đang ngày càng nặng nề tại không ít vùng trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh: “Việc thành phố ngập thì cả nước, cả thế giới đều biết rồi chứ không cần phải thanh minh gì nữa. Phải xác định được lỗi chủ quan trong công tác thực hiện các dự án chống ngập. Đừng đổ lỗi tại môi trường hay tại đất…”

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng với UBND TP, trong năm 2013 đã xử lý được 47 điểm ngập, còn lại 11 điểm ngập sẽ được xử lý trong giai đoạn 2014 – 2015. Hiện 11 điểm ngập này là ở khu vực trung tâm thành phố chứ chưa tính khu ngoại thành. Việc thi công dự án Kênh Tân Hóa – Lò Gốm phát sinh 5 điểm ngập…

Cụ thể hơn, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Trong 47 điểm ngập ở trung tâm thành phố được xóa thì có tới 14 điểm là tái ngập, song không nắm được bao nhiêu điểm ngập mới. Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho rằng số điểm phát sinh mới là 2.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín nhẩm tính, như vậy cộng lại có tất cả 27 điểm ngập. Ông Tín cho biết sẽ đi kiểm tra thực tế. Vị Phó Chủ tịch UBND TP còn băn khoăn: Người dân phản ánh là có rất nhiều điểm ngập. Không biết cơ quan chuyên trách đã báo cáo hết hay chưa? Điểm ngập thì không nên giấu làm gì, như thế sao mà xử lý rốt ráo được?

Sau mỗi trận mưa, rất nhiều đường phố Sài Gòn thành sông (Ảnh: Phạm Thọ)
Sau mỗi trận mưa, rất nhiều đường phố Sài Gòn thành sông (Ảnh: Phạm Thọ)

Cũng trong khuôn khổ của buổi làm việc, theo ý kiến của đại diện Trung tâm điều hành chương trình chống ngập thành phố, việc phát sinh 5 điểm ngập tại dự án Kênh Tân Hóa – Lò Gốm là do mưa lớn, vượt tần suất (hơn 100mm). Trước đây khi xử lý ngập ở khu vực này chỉ căn cứ vào lượng mưa trung bình; vậy nên nay cứ mưa lớn là ngập.

Đại diện Trung tâm điều hành chương trình chống ngập tiếp tục viện dẫn một số tuyến đường khác trên địa bàn dù mới xây xong hệ thống cống nhưng tình trạng ngập vẫn diễn ra. Nguyên nhân chính là do các tuyến cống tại thành phố đều được thiết kế theo tiêu chuẩn của quy hoạch 752 (năm 2001), không còn phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay…

Chuyện ùn ứ, tắc nghẽn, ngập nặng ở TPHCM đã là chuyện quen thuộc (Ảnh: Phạm Thọ)
Chuyện ùn ứ, tắc nghẽn, ngập nặng ở TPHCM đã là chuyện quen thuộc (Ảnh: Phạm Thọ)

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho rằng nguyên nhân là do trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè chưa có điện. Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh lại nói vì vướng một vài hộ dân chưa giải tỏa nên chưa thể bàn giao mặt bằng cho bên điện lực. Đó là chưa tính đến tình trạng trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè chỉ có tác dụng khi mưa kết hợp với triều cường cùng một lúc. Khi lượng mưa hơn 100mm trong một tiếng, các tuyến đường ở quận Bình Thạnh đều ngập.

Chuyện ùn ứ, tắc nghẽn, ngập nặng ở TPHCM đã là chuyện quen thuộc (Ảnh: Phạm Thọ)
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín căng thẳng: Chuyện TPHCM ngập cả thế giới đều biết rồi, đừng thanh minh nữa!

Trước việc các ban ngành chức năng “đưa đẩy” trách nhiệm cho nhau, Phó Chủ tịch UBND TP bức xúc: "Tiền chi rất nhiều mà ngập vẫn cứ ngập. Như thế là có lỗi với người dân. Nếu làm không được thì phải sửa, chứ cứ lờ lờ như thế này thì không được. Các đồng chí cũng được cho đi tây đi tàu về nhưng làm thì không giống ai. Trong điều kiện chưa thể giải quyết được triệt để mà lại tiếp tục rơi vào tình trạng chính mình làm ngập nặng hơn".
 
Ông Tín yêu cầu các cơ quan liên quan làm rõ trách nhiệm và nghiêm túc kiểm điểm, phải tìm ra nguyên nhân chứ không thể đổ lỗi tại ông trời, đổ thừa cho nhau…

Ông Nguyễn Hữu Tín cũng nhấn mạnh: Về nhận định hệ thống cống đã “lỗi thời”, cần phải điều tra, thẩm định cụ thể, xác thực. Bởi với hàng trăm km cống đã xây dựng, không thể tháo lên làm lại hết. Ông Tín đề nghị Sở GTVT, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập sớm báo cáo thành phố giải pháp chống ngập cấp bách đối với các điểm ngập còn lại.

Quốc Anh