Cướp giật tiền cúng cô hồn:

Việc rải tiền mệnh giá lớn đã kích động lòng tham của người khác?!

(Dân trí) - Bản thân người cúng cô hồn là có tín ngưỡng, thực hiện theo một phong tục có từ lâu đời nhưng quan niệm và hành động không đúng, nhất là khi họ rải tiền mệnh giá lớn đã kích động lòng tham của người khác...

Rằm tháng 7 vừa qua xuất hiện cảnh hàng trăm thanh niên xông vào cướp giật tiền cúng cô hồn rất phản cảm tại TPHCM. Các nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội và luật pháp đều cho rằng, biến tướng này sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển văn hóa cộng đồng.

Theo phong tục cúng cô hồn, chủ nhà chỉ ném đồ cúng để bố thí cho các vong hồn, âm binh. Nhưng hiện nay, nhiều nhà ném cả tiền thật với mệnh giá lớn ra đường trong ngày cúng cô hồn nên xuất hiện tình trạng các thanh niên đổ ra đường hứng và tranh cướp tiền, tạo ra cảnh hỗn loạn, mất trật tự trên đường.

giat-do-cung-co-hon-1441499601886
Các thanh niên tranh cướp nhau tiền cúng cô hồn được chủ nhà ném ra đường (ảnh: Đình Thảo)

PV Dân trí đã trao đổi vấn đề này cùng tiến sĩ Đào Tuấn Hậu, Trưởng bộ môn Đạo đức học, khoa Triết học, trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TPHCM để làm rõ biến tướng này về khía cạnh văn hóa tinh thần và phong tục của người Sài Gòn. Tiến sĩ Đào Tuấn Hậu từng nghiên cứu và bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài “Vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở TPHCM trong thời kỳ đổi mới” nên có tìm hiểu khá kỹ về các phong tục tại vùng đất này. Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh, Đoàn Luật sư TPHCM cũng trao đổi cùng PV Dân trí về góc nhìn luật pháp đối với biến tướng này.

Hành động của người rải tiền lẫn người giật tiền đều phản văn hóa
Tiến sĩ Đào Tuấn Hậu

Tôi thấy cả hành động rải nhiều tiền với mệnh giá lớn vào đám đông lẫn hành động hàng trăm người lao vào cướp giật tiền cúng cô hồn đều phản văn hóa, không có gì giống với phong tục truyền thống của tổ tiên ở vùng đất này.

Thứ nhất, bản thân người cúng cô hồn là có tín ngưỡng, thực hiện theo một phong tục có từ lâu đời nhưng quan niệm và hành động không đúng, nhất là khi họ rải tiền mệnh giá lớn đã kích động lòng tham của người khác. Đây là một tập tục dân gian có từ lâu đời nhưng nay đã có sự thái quá trong quan niệm lễ nghi nên làm cho tập tục này biến tướng. Có thể là do lòng tham chăng? Người ta cứ nghĩ là cúng nhiều thì thiêng nhiều?

Thứ 2, về phía những thanh niên lao vào cướp giật tiền cúng cô hồn cũng vậy. Có lẽ họ nghĩ đây là phong tục, không có gì sai trái nên sẵn sàng lao vào tranh cướp mà không nghĩ hành động tranh cướp đã là sai và khác hẳn tập tục cúng cô hồn truyền thống. Nhưng việc họ lao vào tranh cướp cũng là điều dễ hiểu vì kiếm tiền trong trường hợp này dễ dàng quá mà.

Nhưng đó là điều nguy hại cho xã hội vì sẽ tạo thành thói quen trong cuộc sống, chỉ mong muốn kiếm tiền dễ dàng từ những cơ hội như vậy. Đó là bước lùi văn hóa, một biến tướng cần ngăn chặn ngay để tránh điều tệ hại hơn có thể xảy đến cho văn hóa cộng đồng.

Có thể xử lý hành vi cướp giật tài sản
Luật sư Nguyễn Đức Chánh

Phong tục cúng cô hồn và giật đồ cúng đã có từ lâu. Việc nhiều gia đình cúng tiền lẻ và để người ta giật tiền cũng đã có từ trước chứ không phải nay mới xuất hiện. Nhưng hình ảnh hàng trăm người xô vào nhau cướp giật tiền, thậm chí là có những nhóm đi giật tiền được tổ chức chuyên nghiệp trong dịp này như báo chí phản ánh những ngày qua là rất phản cảm.

Về mặt pháp luật, người cúng cô hồn rải tiền ra tức là họ đã từ bỏ quyền sở hữu của họ, số tiền đó trở thành vật vô chủ. Khi có người phát hiện và nhặt được, thì số tiền đó trở thành tài sản của người đã xác lập quyền sở hữu theo khoản 1 Điều 239 Bộ luật Dân sự. Đồng thời, việc rải tiền cúng cô hồn, nhặt tiền cúng cô hồn từ người rải tiền không vi phạm pháp luật.

Nhưng nếu có người có hành vi giật tiền cúng cô hồn từ tay của người đã xác lập quyền sở hữu thì tùy vào hành vi cụ thể có thể cấu thành hành vi cướp giật tài sản hoặc cướp tài sản. Vì lúc này, số tiền cúng cô hồn đã trở thành tài sản của người nhặt được, họ vẫn cầm số tiền đó trên tay thì đó là tài sản của họ. Người khác lao đến giật lấy hoặc dùng vũ lực để chiếm đoạt là vi phạm pháp luật. Với hành vi này, bất kể số tiền giá trị lớn hay nhỏ thì đều có thể bị có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu không được điều chỉnh sẽ thành thói quen nguy hiểm

Thạc sĩ Lưu Thị Ánh Loan, chuyên gia công tác xã hội, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển (Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam)

Phong tục tập quán và văn hoá tồn tại trong xã hội như một kim chỉ nam về hành vi và chuẩn mực xã hội cần được tôn trọng. Nhìn vào cách thể hiện phong tục tập quán, mọi người có thể đánh giá được cộng đồng này lớn mạnh hay không thông qua cách bày trí nghi lễ và trách nhiệm cộng đồng.

Cúng cô hồn là thể hiện sự tín ngưỡng; tuy nhiên, sự tín ngưỡng không được thể hiện đúng cách thì sẽ trở thành mê tín dị đoan và tạo điều kiện cho những hành vi xấu xuất hiện. Điển hình là thả tiền thật trong ngày cúng cô hồn để lôi kéo đám đông tạo ra việc giành giật và gây mất trật tự và mất vệ sinh đường phố. Hành động này sẽ không để lại ấn tượng đẹp trong mắt mọi người xung quanh.

Nếu hành vi cướp giật trong các lễ hội không được phát hiện và điều chỉnh thì sẽ trở thành thói quen nguy hiểm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến phát triển nhân cách con người mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn xã hội.

Tùng Nguyên (thực hiện)