1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Việc nhận chìm bùn, cát ở biển Vĩnh Tân được thực hiện như thế nào? ​

Ngày 7/7, Bộ TN-MT và UBND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc họp với các bên về việc cấp phép nhận chìm hơn 918.500 m3 bùn, cát xuống biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói cần thực hiện công tác hậu kiểm sau nhấn chìm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói cần thực hiện công tác hậu kiểm sau nhấn chìm.

Ngày 7/7, Bộ Tài nguyên – Môi trường và UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan công bố việc cấp phép nhận chìm bùn, cát nạo vét xuống biển ở biển cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1.

Bộ Tài nguyên – Môi trường khẳng định việc cấp phép được tiến hành theo đúng quy định pháp luật. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các bộ ngành và địa phương cần giám sát như thế nào để không gây ô nhiễm môi trường biển trong quá trình thực hiện nhấn chìm.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, không thể chuyển vật chất nạo vét dưới biển với khối lượng lớn đổ lên bờ.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, không thể chuyển vật chất nạo vét dưới biển với khối lượng lớn đổ lên bờ.

Theo giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty Điện lực Vĩnh Tân được phép nhận chìm hơn 918.500 m3 vật chất nạo vét gồm: 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi...thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chở than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

“Bây giờ chúng ta đưa nó từ vị trí này sang vị trí khác. Trong chất này, theo dự án nhận chìm mà chủ đầu tư cung cấp, thì không có chất phóng xạ, chất độc hại vượt quá quy chuẩn Việt Nam và nó cũng không phải là chất thải của nhà máy nhiệt điện. Do vậy, nó thuộc danh mục vật chất được nhận chìm theo Nghị định 40 quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên môi trường - Biển và Hải đảo”, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo nói.

Đơn vị thi công sẽ dùng sà lan dạng phễu chở vật chất nạo vét nhấn chìm bằng hình thức mở đáy, đồng thời sử dụng lưới chắn bùn nhằm giảm phát tán ra môi trường. Khu vực nhận chìm rộng 30 héc-ta, nằm cách Khu bảo tồn Hòn Cau 8 km. Thời gian nhận chìm được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10, vào thời điểm có gió mùa Tây Nam để vật chất nhận chìm không phát tán về hướng Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ.

Mô hình xà lan chuyên dụng nhấn chìm bằng hình thức mở đáy.
Mô hình xà lan chuyên dụng nhấn chìm bằng hình thức mở đáy.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư tỉnh Bình Thuận cho biết phải thực hiện việc nhận chìm vì không thể vận chuyển khối lượng lớn vật chất nạo vét từ biển ở dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đổ lên bờ. Nếu như thế sẽ làm nhiễm mặn một vùng diện tích rộng lớn và gây ô nhiễm môi trường trên đất liền ở huyện Tuy Phong. Do đó, việc cấp phép cho nhận chìm ở biển Vĩnh Tân là điều tất yếu.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lưu ý nhà đầu tư cần thực hiện đúng với cam kết trong giấy phép.

Trước sự quan tâm của các nhà khoa học cũng như lo lắng của người dân, theo ông Hai, việc hậu kiểm môi trường biển sau khi nhấn chìm cũng cần được thực hiện vì hai lý do: “Thứ nhất, đây là giấy phép đầu tiên sau khi có Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2014. Thứ hai, việc nhấn chìm này thì nhiều nước trên thế giới thậm chí trong nước cần thiết cũng phải nhận chìm. Ở đây phải lo lắng thận trọng là gì? Đó là nó có cái khác là vùng biển này có hiện tượng động lực của dòng nước trồi”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết quá trình thực hiện sẽ được giám sát, quan trắc chặt chẽ bởi đơn vị độc lập là Viện Hải dương học có sự tham gia của Bộ Tài nguyên – Môi trường, các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương.

Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng khuyến khích Mặt trận Tổ quốc xã Vĩnh Tân vận động bà con nhân dân tham gia giám sát. Đang hoạt động ngoài biển, nếu thấy có hiện tượng khác lạ, người dân Vĩnh Tân cũng nên thông báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời./.

Theo Việt Quốc
VOV