“Việc làm của anh đôi khi đặt đất nước lên lưng hổ”
(Dân trí) - “Có cử tri nói với tôi câu rất hay, mỗi nhiệm kỳ của anh (đại biểu Quốc hội) chỉ 5 năm thôi, nhưng việc làm của anh đôi khi đặt đất nước lên lưng hổ. Câu chuyện 70 năm Formosa chẳng hạn, 70 năm sau vẫn phải lo, vẫn phải đối phó chứ ?.”- đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 22/10, đại biểu Quốc hội - nhà sử học Dương Trung Quốc thẳng thắn: “Gần đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc rất nhiều, rằng chúng ta đang tiêu tiền của dân đấy. Cho nên phải thay đổi căn bản những vấn đề về ngân sách. Ngân sách giống như một cái bánh, phải chia như nào, có cân bằng không, có đáp ứng được đời sống hay không?. Trong hoàn cảnh nhà nghèo thì phải cố gắng chia cho nó đủ, mỗi người một chút”.
Theo ông Dương Trung Quốc, đằng sau câu chuyện ngân sách là một cuộc “xin - cho”. Muốn chấm dứt “xin - cho” thì phải nhìn nó như một bài toán kinh tế, đầu tư có lãi, để làm sao cái bánh to. “Cũng như trong gia đình có thể có đứa con thiệt thòi một chút nhưng có tương lai tốt đẹp cho cả nhà. Tôi nghĩ rằng, ngân sách cần phải được đánh giá tính hiệu quả sau những năm chi tiêu, chứ không phải giải ngân cho nó xong, cho êm thấm.”- ông nói.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, hàng nghìn, hàng vạn tỷ đồng liên quan đến tham nhũng thì phải qua quá trình điều tra, chứ những chỗ “rơi” vào lãng phí thì thấy ngay nhưng cuối cùng không có ai chịu trách nhiệm.
“Ngay kỳ họp này chúng ta đưa ra một loạt công trình toàn hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng cả. Nếu nợ lâu quá thì được cho vay nợ… Tất cả mọi thứ cứ tích tụ lại. Có cử tri nói với tôi câu rất hay, mỗi nhiệm kỳ của anh (đại biểu Quốc hội - PV) chỉ 5 năm thôi, nhưng việc làm của anh đôi khi đặt đất nước lên lưng hổ. Câu chuyện 70 năm Formosa chẳng hạn, 70 năm sau vẫn phải lo, vẫn phải đối phó chứ ?. Quyền lực của chúng ta có thể có những quyết định. Cần nhìn nhận lại ngân sách, phải đúng vị trí của nó và phải có người có trách nhiệm”- ông Quốc nêu câu chuyện thực tế.
Quốc hội có trách nhiệm giám sát những vấn đề vĩ mô, có hẳn Uỷ ban Tài chính-Ngân sách, rất nhiều đại biểu Quốc hội nằm trong bộ máy tiêu tiền, sử dụng ngân sách nên càng phải cố gắng quy kết trách nhiệm.
“Chừng nào chúng ta không quy kết trách nhiệm, không xử lý trách nhiệm được thì ngân sách còn như cái bánh, ông nào cũng muốn phần nhiều trong một năm, năm sau lại tìm cái bánh khác chứ không tính để cái bánh này sẽ đẻ cái bánh kia, phúc lợi xã hội tốt và có thêm động lực phát triển”- nhà sử học kết thúc bài phát biểu với nhiều tâm tư, lo lắng.
“Đội đặc nhiệm tái cơ cấu”
Phát biểu tại đoàn Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, nền kinh tế đã qua nhiều thời kỳ khác nhau trong 30 năm đổi mới nên giờ nói tái cơ cấu lại không phải dễ, cần phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể tái cơ cấu thành công bởi cứ cách làm cũ sẽ không ăn thua, kém hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải có riêng bộ máy, cán bộ làm tái cơ cấu, thậm chí người đứng đầu phải đứng ra chỉ đạo tái cơ cấu hay là có “đội đặc nhiệm tái cơ cấu”.
“Cần phải dám cắt bỏ đi những gì kém hiệu quả chứ nếu chỉ bình bình, vở cũ chép lại thì khó thành công” - Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, muốn làm gì cũng phải có nguồn lực. Thủ tướng dẫn chứng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hiện nợ xấu còn rất lớn. Muốn giải quyết vấn đề nợ xấu phải bỏ tiền bạc ra. Nhà nước phải dành ra một nguồn lực cần thiết mà có ý kiến cho rằng, lấy trong dự trữ ngoại hối, hay bán doanh nghiệp Nhà nước…
Thủ tướng cũng gợi ý hướng tái cơ cấu dựa trên những thế mạnh của đất nước. Thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, phải phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao. Ví dụ, Cà Mau là nơi sản xuất tôm lớn của Việt Nam, xuất khẩu đến 1 tỷ USD. Vậy cần phải nâng cao chất lượng sản xuất thế nào, chọn giống gì, thâm canh ra sao, đảm bảo môi trường ra sao để phát triển bền vững ngành kinh tế này.
Hay như ngành du lịch Việt Nam cũng là thế mạnh cần tập trung. Thủ tướng tính toán, Việt Nam hiện nay có 6 - 7 triệu khách nước ngoài trong khi như Hồng Kông có 6 - 7 triệu dân mà cũng 60 - 70 triệu khách, Thái Lan 60 - 70 triệu khách còn Singapore có mấy triệu dân mà 30 triệu khách.
Việt Nam phong cảnh rất đẹp nhưng gần 100 triệu dân nhưng chắc chỉ có khoảng 15-20 triệu người đến được mũi Cà Mau, còn 80 triệu người chưa được đến. Chính vì thế mở ra như thế nào để cả nội địa với quốc tế chứ không chỉ quốc tế không.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay Chính phủ đang tổng rà soát, kiểm tra nguồn lực từ tài nguyên thiên nhiên, tài chính tiền tệ, khoa học-công nghệ, đất đai, tài nguyên rừng, nước, biển....
“Tới đây phải tính toán xem sử dụng sức mạnh tổng hợp, cả cứng và mềm như thế nào. Đối với doanh nghiệp nhà nước làm ăn khó khăn có hai loại. Có loại có thể do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, có khả năng phục hồi được bình thường, thiết yếu với nền kinh tế thì tiếp tục phát triển, đầu tư bằng cách thoái vốn ngoài ngành, cổ phần hóa, giữ lại phần nào nhà nước cần giữ, hoặc chuyển đổi sở hữu để vực dậy phát triển được. Loại nữa là loại thua lỗ như chúng ta thấy khó lòng phục hồi được, thua lỗ triền miên do sai lầm đầu tư, sai lầm khoa học công nghệ, quản trị, quá trình đầu tư quản lý không tốt nên tổng mức đầu tư tăng lên thì phải xử lý”- Phó Thủ tướng nói.
TPHCM quá tải cả trên trời và dưới đất
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đánh giá, nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” của thành phố này là rất lớn. “Thực sự mà nói, trụ sở cơ quan làm việc của Thành ủy và UBND TPHCM có thể nói là kém nhất cả nước. Vừa rồi có đoàn kiểm tra của Chính phủ vào làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư thì các anh nói không ngờ Sở Kế hoạch và Đầu tư của thành phố lại làm việc ở trụ sở xập xệ, chật chội như vậy. Còn Thành uỷ thì các ban ở lung tung các nơi và cũng rất chật chội, xập xệ; các sở ngành không có tiền sửa chữa nữa chứ chưa nói đến việc xây mới. Phòng lãnh đạo của Thành ủy, Ủy ban cũng là cơi nới”- ông Thăng nêu thực trạng.
Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh, để giữ được tốc độ tăng trưởng cao hơn 1,5 cả nước thì cần phải đầu tư trở lại và địa phương này đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội. “Rõ ràng không có đầu tư trở lại thì khó lòng làm được”- ông nói.
Ông Thăng cho rằng, rác thải là vấn đề cần được lưu tâm bởi dự báo đến năm 2020 TPHCM sẽ có khoảng 5.500 tấn rác/ngày nhưng hiện nay bình quân đã có tới 7.500 tấn/ngày. Bên cạnh đó là vấn đề vệ sinh thực phẩm, quá tải bệnh viện, trường học.
“Mỗi năm, TPHCM tăng thêm bình quân 85.000 học sinh phổ thông nên phải xây trường học rất nhiều nhưng không đáp ứng được. Việc kết nối của thành phố cũng rất yếu khi tất cả các cửa ngõ đều tắc. Sân bay Tân Sơn Nhất dự báo đến năm 2020 đạt 25 triệu hành khách nhưng năm nay dự kiến đã 32 triệu khách rồi…Quá tải cả trên trời và dưới đất. Đi máy bay bay giữa trời cả nửa tiếng”-ông Thăng nêu thực tế và khẳng định đầu tàu chậm lại một chút để lấy lại gia tốc là rất khó.
Thế Kha - P.Thảo