Việc chuyển quản lý giấy phép lái xe sang Bộ Công an đã được tính kỹ

Thái Anh

(Dân trí) - Chính phủ khẳng định đã xem xét kỹ lưỡng việc chuyển giao đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

Báo cáo về dự kiến hướng tiếp thu, giải trình một số nội dung lớn, nội dung còn nhiều ý kiến tham gia của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Chính phủ vừa được Bộ Công an gửi đến Quốc hội. Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm ký báo cáo.

Trong báo cáo, Bộ trưởng Công an nêu rõ, luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tách từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (luật thứ hai là luật Giao thông đường bộ sửa đổi). Việc tách này, theo Bộ Công an là không trái với Hiến pháp năm 2013, phù hợp với Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, không xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành.

Liên quan đến yêu cầu đánh giá tác động của việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an của UB Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an cho biết Chính phủ đã xem xét kỹ lưỡng.

Người đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật, nguyên nhân tai nạn do con người gây ra là chính, do đó việc giao Bộ Công an quản lý thuộc thẩm quyền của Chính phủ, gắn với giao Bộ Công an chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Bộ Giao thông vận tải tập trung vào quản lý an toàn chất lượng hạ tầng giao thông và an toàn chất lượng phương tiện giao thông (yếu tố quản lý mang tính kỹ thuật, kinh tế).

Đánh giá tác động của việc chuyển giao này giữa hai Bộ, về biên chế, tổ chức bộ máy, Bộ Công an cho biết Bộ Giao thông vận tải có tổng số 64 đơn vị trực tiếp làm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, ngành công an đủ điều kiện tiếp nhận công tác chuyển giao từ 64 đầu mối này.

Từ ngày 1/7/2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được triển khai, Bộ Công an vận hành, quản lý, kết nối với cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông trong đó có cơ sở dữ liệu về người điều khiển phương tiện, do đó việc chuyển giao nhiệm vụ sẽ bảo đảm quản lý chặt chẽ từ đào tạo, sát hạch, quá trình tham gia giao thông của người lái xe được thường xuyên, liên tục.

Về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, theo báo cáo, Bộ Công an cũng đều có phương án xử lý, sử dụng 700 điểm đăng ký quản lý phương tiện tại Công an cấp tỉnh và cấp huyện để thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe.

Tác động với xã hội, theo đánh giá của Bộ: Người lái xe tiếp tục sử dụng giấy phép lái xe đã cấp cho đến khi hết thời hạn hoặc khi có nhu cầu đổi, cấp lại. Người dân được lựa chọn hình thức học, lựa chọn cơ sở đào tạo, giáo viên dạy lái, trung tâm sát hạch lái xe, cơ quan cấp, đổi giấy phép lái xe theo điều kiện, nhu cầu cá nhân, đảm bảo tiết kiệm về thời gian, kinh phí, nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

Dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận lần đầu vào ngày 24/10.