Vỉa hè, lòng đường ở TPHCM bị lấn chiếm như thế nào?
(Dân trí) - Vỉa hè, lòng đường ở TPHCM đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Người dân, du khách bị đẩy xuống lòng đường để đi lại gặp nhiều nguy hiểm.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí trên đường Cống Quỳnh, đoạn phía trước bệnh viện Từ Dũ (quận 1), đây là một trong những khu vực thường xuyên có lượng lớn ô tô, taxi... dừng, đỗ đưa đón khách và chở người nhà đi khám bệnh nên xe cộ thường xuyên ùn tắc.
"Đoạn đường này giờ nào cũng lộn xộn như vậy, đa số là do taxi dừng đỗ khá lâu để đón khách khiến xe cộ mỗi lần di chuyển qua đây rất khó khăn", ông Hạnh (56 tuổi, ngụ Gò Vấp) nói.
Mặc dù có biển cấm nhưng hàng chục ô tô vẫn ngang nhiên đỗ trên đường Alexandre de Rhodes (quận 1). Theo quy định, việc dừng, đỗ xe sai quy định có thể bị phạt từ 200.000 đồng - 12 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm.
Ngoài việc ô tô dừng đỗ không đúng quy định, tình trạng lấn chiếm, tận dụng vỉa hè để làm bãi giữ xe (BGX), buôn bán cũng diễn ra nhiều nơi ở TPHCM.
Ở khu vực xung quanh chợ Bến Thành (quận 1), nhiều gia đình tận dụng vỉa hè để làm BGX thu phí. Ảnh chụp trên đường Phan Chu Trinh, các BGX lấn chiếm hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ.
Một phần vỉa hè trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) được dùng làm BGX của bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng, phần vỉa hè còn lại dành cho người đi bộ cũng bị lấn chiếm bởi những gánh hàng rong. Khi phóng viên đến ghi hình phản ánh, những người này liên tục xua đuổi, văng tục.
Cách bệnh viện Chợ Rẫy không xa, trên đường Lê Đại Hành (quận 11), một dãy cửa hàng đặt biển chào bán thức ăn, nước uống tràn ra lòng đường, gây cản trở cho việc đi lại của người đi bộ và các phương tiện qua lại.
Ghi nhận trên đường Đặng Thái Thân (quận 5), người dân tận dụng phần vỉa hè để làm BGX thu phí. Thậm chí, BGX này còn choáng hết lối đi của một bệnh viện.
Đường Nguyễn Trãi (quận 5) là một trong những con đường thường xuyên bị phản ánh bởi tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè. Trong ảnh, một du khách người nước ngoài phải đi bộ xuống lòng đường vì phần vỉa hè đã bị "nuốt trọn" bởi những sạp hàng bán nón bảo hiểm, áo quần...
Phần vỉa hè trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 10) cũng bị "nuốt trọn" bởi một dãy cửa hàng sửa chữa xe máy.
Vào ban đêm, các địa điểm vui chơi ở trung tâm TPHCM có lượng lớn phương tiện qua lại, trong khi đó đường sá ở đây khá chật hẹp, cộng với việc nhiều BGX tự phát, ô tô dừng đỗ vô tội vạ khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Không khó để bắt gặp hình ảnh hàng quán ăn uống ở TPHCM tận dụng vỉa hè làm nơi để xe cho khách hàng. Ảnh chụp trên đường Lê Công Kiều (quận 1).
Theo quy định của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, mọi hoạt động phải đảm bảo chiều rộng vỉa hè tối thiểu 1,5m phục vụ cho người đi bộ. Nếu hè phố hiện hữu không đủ chiều rộng thì đơn vị quản lý phải có lộ trình thay thế để ưu tiên người đi bộ, trước khi tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành quy định về quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải nộp phí theo quy định và phải đảm bảo không gây mất trật tự, an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên trụ sở cơ quan, tổ chức.
Trong ảnh, đường Lê Lai (quận 1), một trong những con đường đã tổ chức thu phí đỗ xe ô tô. Đây cũng là một trong bốn vị trí được Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất xây dựng nhà xe cao tầng theo hình thức bán tự động.