1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện vỉa hè TPHCM: Trói không được thì… mở

(Dân trí) - Chỉ nửa năm trước, TPHCM kiên quyết giải phòng lòng lề đường, trả vỉa hè cho người đi bộ. Sau hơn nửa năm “kiên quyết” không xong, UBND TPHCM lại đang tính tới nước cho kinh doanh trên vỉa hè.

Trói

 

1 trong 8 nhóm giải pháp lớn của Kế hoạch 6650 nhằm kéo giảm tình hình ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông của TPHCM, đề ra vào tháng 9/2007, là giải phóng vỉa hè cho người đi bộ trước ngày 15/10/2007. Tuy nhiên, thời hạn cuối cùng đã qua và ai cũng biết là kế hoạch này đã “chết” vì không khả thi.

 

Từ đó đến nay, vỉa hè vẫn nằm trong tình trạng… không biết cấm hay không. Chiếm thì vẫn chiếm, công an thì vẫn dẹp, bị bắt thì nộp phạt… nhưng người đi bộ vẫn cứ phải đi xuống lòng đường.

 

Thực ra, giải pháp này đã “chết” ngay khi được đề xuất vì quận, huyện nào cũng làm chiếu lệ, dù văn bản TP quy định: nếu không dẹp đúng thời hạn, Chủ tịch UBND quận huyện phải chịu trách nhiệm.

 

Thực tế đời sống cũng không cho phép giải pháp ấy “sống” được. Vì cả TP có 3,5 triệu xe máy nhưng điểm giữ xe tập trung chỉ đếm trên đầu ngón tay, các địa điểm kinh doanh có chỗ để xe riêng chiếm tỷ lệ vô vùng nhỏ. Do đó, cấm để xe trên vỉa hè thì biết để ở đâu?

 

Ngoài ra, vỉa hè cũng là nguồn sống của khoảng 100-120 nghìn người kinh doanh nhỏ, 40-50 nghìn người buôn bán hàng rong (theo thống kê sơ bộ của Viện Kinh tế TPHCM, năm 2004). Làm sao cấm họ chạy… cơm được! Cấm đường này họ “chạy” đường khác, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo.

 

Thế là giải pháp này phá sản.

 

Mở

 

Cấm không xong, TP đành bàn đến việc quản lý bằng cách cấp phép. Và dự thảo cho phép kinh doanh trên vỉa hè ra đời, các cấp lãnh đạo TP đang xem xét để quyết định.

 

Theo dự thảo này, người có nhu cầu kinh doanh dịch vụ và giữ xe trên vỉa hè thì phải xin phép. Tuy nhiên, chỉ những vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên mới được cấp phép cho kinh doanh. Các hộ kinh doanh phải sắp xếp để chừa tối thiểu 1,5m vỉa hè cho người đi bộ. Các tuyến đường được phép kinh doanh sẽ do UBND phường, xã đề xuất lên TP để TP xem xét quyết định và công bố.

 

Ngoài ra, vỉa hè trước các công sở, công trình văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao... và vỉa hè chắn ngang hẻm tuyệt đối không được cấp phép cho kinh doanh. Mọi người dân muốn kinh doanh trên vỉa hè phải xin phép UBND quận, huyện. Giấy phép có thời hạn tối đa là 6 tháng và được gia hạn 1 lần tiếp theo. Sau khi gia hạn mà vẫn muốn tiếp tục kinh doanh phải xin giấy phép mới.

 

Các trường hợp sử dụng vỉa hè khác như: tổ chức tang ma, tiệc cưới, hỏi… cũng phải xin phép UBND phường xã. Các trường hợp này phải “trả” vỉa hè lại sau 48 tiếng và cũng phải chừa 1,5m vỉa hè cho người đi bộ.

 

Các hộ gia đình, tổ chức muốn tập kết vật liệu xây dựng để xây dựng, sửa chữa nhà cửa cũng phải xin phép; và chỉ được phép tập kết vật liệu xây dựng trong khoảng thời gian từ sau 18h cho đến 6h sáng hôm sau.

 

Với việc “cởi trói” cho hoạt động kinh doanh trên vỉa hè, các cơ quan chức năng hy vọng sẽ giúp quản lý vỉa hè tốt hơn mà vẫn đảm bảo đời sống bà con nghèo, giảm gánh nặng chỗ giữ xe… Đồng thời, nó sẽ tạo tiền đề cho việc kiên quyết dẹp bỏ những vỉa hè bị lấn chiếm hoàn toàn, lấn chiếm gây mất mỹ quan và kém vệ sinh mà không gây dư luận bất bình.

 

Tùng Nguyên