“Vỉa hè bị lấn chiếm nghiêm trọng, có thể cách chức Chủ tịch phường”
(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ Dương Thanh Biểu - nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, quận 1 TPHCM nên công khai số điện thoại để người dân phản ánh về tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè nghiêm trọng thì có thể xem xét kỷ luật tới mức cách chức Chủ tịch UBND phường và Trưởng Công an phường.
- Phóng viên: Việc UBND quận 1 TPHCM ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, trả lại không gian cho người đi bộ đã khiến người dân cả nước quan tâm theo dõi với nhiều cảm xúc, hào hứng và đương nhiên đa số ủng hộ. Tuy vậy cũng có những ý kiến cho rằng việc xử lý phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành. Xin ông cho biết tính hợp pháp trong những công việc mà quận 1 đang làm?
- Tiến sĩ Dương Thanh Biểu: Vấn đề hè phố được các nước trên thế dưới cho rằng đó là “công thổ quốc gia”. Nghĩa là vỉa hè do Nhà nước quản lý và chỉ dành cho người đi bộ. Ở nước cũng có các đạo luật quy định về vấn đề này. Ở Việt Nam có Luật Giao thông đường bộ, Luật xử phạt vi phạm hành chính. Chính phủ đã có nhiều nghị định mà gần đây nhất là Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 về hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt. Như vậy, việc UBND quận 1 TPHCM tiến hành “chiến dịch giành vỉa hè cho người đi bộ” là đúng thẩm quyền và trách nhiệm.
- Nhưng từ trước tới nay, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiệm vụ này nhưng sau đó đâu lại vào đấy?
- Như chúng ta đã biết, TPHCM và Hà Nội từ trước đến nay đã có nhiều cuộc ra quân rầm rộ để lập lại kỷ cương về sử dụng vỉa hè theo đúng quy định của pháp luật nhưng rất tiếc là sau các đợt ra quân rầm rộ đó, việc lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn như cũ, có trường hợp còn nghiêm trọng hơn, để lại những ấn tượng không đẹp đối với người dân và bạn bè quốc tế.
Nguyên nhân của tình hình trên đây có nhiều nhưng tôi cho rằng có 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, công tác tuyên truyền chấp hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, giao thông vận tải chưa được thường xuyên liên tục. Nhiều người dân, thậm chí có cơ quan Nhà nước ở một số nơi chưa thấy được trách nhiệm của mình trong viêc chấp hành pháp luật về lính vực này.
Thứ hai, trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, giao thông vận tải chưa cao. Việc ra quân sắp xếp trật tự về quản lý hè phố thường hình thức, theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” vẫn còn phổ biến. Đây là trình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng dường như chưa thấy cán bộ nào bị phê bình, kỷ luật về tình trạng này.
Thứ ba là lợi ích nhóm đang là sức cản rất lớn trong việc lập lại trật tự về quản lý vỉa hè. Dư luận cho rằng, nếu không có sự dung túng của một số cán bộ có chức quyền thì không thể có tình trạng lấn chiếm vỉa hè ngày càng nghiêm trọng như thời gian vừa qua.
- Có phải chính điều đó đã làm nảy sinh nhiều ý kiến lo ngại cho sự quyết liệt của chính quyền quận 1 TPHCM trong việc quyết liệt tiến hành cuộc chiến “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ?
- Trước hết phải khẳng định, các cấp chính quyền TPHCM đang thực hiện những quy định của pháp luật. Việc làm của họ là xuất phát từ mong muốn đất nước ta, nhất là các đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, hoàn toàn phù hợp với pháp luật, được đại bộ phận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đồng thời, Đảng bộ và chính quyền TPHCM hoàn toàn ủng hộ việc làm này.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã lên tiếng đánh giá, hoan nghênh rất cao tinh thần lãnh đạo quyết liệt của lãnh đạo TPHCM trong cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta, nhất là các công dân thành phố hãy ủng hộ, động viên việc làm đầy chính nghĩa, bản lĩnh, công tâm của lãnh đạo UBND TPHCM nói chung và UBND quận 1 nói riêng.
- Để “cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ” thắng lợi, bền vững, theo ông cần phải thực hiện những giải pháp như thế nào?
- Tôi có 4 kiến nghị với các chính quyền các cấp ở quận 1 TPHCM. Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý hè phố như: Luật giao thông đường bộ, Luật xử phạt vi phạm hành chính và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện các quy định này. Thông qua đó, vận động từng người, từng gia đình, các cơ quan, tổ chức ký kết giao ước thi đua không lấn chiếm vỉa hè, giành vỉa hè cho người đi bộ.
Thứ hai, phát động phong trào nêu gương chấp hành pháp luật về quản lý vỉa hè. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là cơ quan Nhà nước phải nêu gương chấp hành pháp luật, không lấn chiếm vỉa hè, giữ gìn vệ sinh, trật tự đường phố.
Thứ 3, cần có phân cấp nhiệm vụ quản lý vỉa hè, đường phố cho rõ ràng, hợp lý. Ví dụ, đối với cấp thành phố, làm tốt trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, xây dựng các văn bản pháp quy để hướng dẫn thực hiện. Lãnh đạo thành phố nên có số điện thoại công khai để nhân dân phản ảnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Đây là cơ sở để làm tốt công tác chỉ đạo điều hành.
Cấp quận huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Đối với cấp này cũng cần có số điện thoại công khai để nhân dân phản ảnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Trên cơ sở đó có biện pháp đôn đốc cấp dưới thực hiện.
Cấp phường, xã là cấp thực hiện. Hành ngày phải nắm được tình trạng lấn chiếm vỉa hè như thế nào để huy động lực lượng giải tỏa. Nơi nào làm tốt thì biểu dương, nơi nào chưa làm tốt thì nhắc nhở, phê bình. Đặc biệt, nơi nào để tình trạng lần chiếm vỉa hè tái diễn thì phải có hình thức kỷ luật, nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm nghiêm trọng thì phải cách chức. Trong đó chú ý hai chức danh quan trọng là Chủ tịch UBND phường và Trưởng Công an phường.
Thứ tư, phải đưa nội dung quản lý vỉa hè theo pháp luật là tiêu chí để đánh giá phẩm chất và năng lực của cán bộ. Trên cơ sở này, hàng năm coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ có liên quan.
Thứ năm là phương pháp tiến hành. Tôi cho rằng chính quyền thành phố cần rà soát lại nơi nào cho hoặc không cho phép đỗ xe ô tô thì cần khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện về biển báo, vạch kẻ đường để người dân thực hiện. Trước khi tiến hành giải tỏa việc lấn chiếm cần có tuyên truyền, thông báo để người dân tự giác chấp hành. Qua thời gian đó mà không thực hiện thì kiên quyết giải tỏa, với tinh thần quyết liệt, bình đẳng, không ai được đứng trên pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!
Thế Kha