1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vị tướng và trận không chiến với “Thần Sấm”

Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng những hồi ức về thời chiến vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Trung tướng Trần Hanh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Những chiến tích trong cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với những dấu mốc quan trọng của cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ. Trận không chiến ngày 4/4/1965 lịch sử trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa) là một trong số đó.

 


Vị tướng và trận không chiến với “Thần Sấm”  - 1

Tướng Trần Hanh đang mô tả lại trận đánh năm nào.

  

Hạ gục “Thần sấm”

 

Bầu trời sân bay Nội Bài sáng 4/4/1965, mây bao phủ, âm u như báo hiệu những điều không an lành. Quả đúng như vậy, Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân của ta nhận được tin máy bay địch đang xâm phạm vùng trời Miền Bắc. Bốn chiếc MIG 17 do Đại uý Trần Hanh dẫn đầu lập tức lao vút lên bầu trời. Trước đó, Không quân Việt Nam đã có cuộc “thử lửa” với không quân Mĩ trên bầu trời Hàm Rồng. Sau trận đánh này, nhiều ý kiến không tán thành đợt bay thứ 2 vào trận địa trên với lý do yếu tố bí mật, bất ngờ không còn nữa. Nhưng với ý chí quyết tâm của toàn phi đội, trận không chiến lần 2, ngày 4/4 vẫn được thực hiện.

 

Vị tướng và trận không chiến với “Thần Sấm”  - 2
Phi công Trần Hanh thời trẻ.

 

“Tới Hàm Rồng, thấp thoáng từ trong các đám mây, biên đội chúng tôi ngay lập tức đối mặt với một đàn quái vật khổng lồ, thân dài, đầu nhọn, phía dưới cánh lặc lè bom. Sau này tôi mới biết nó mang biệt danh “Thần Sấm” (tức F 105), nặng tới 25 tấn. Lúc này lưới lửa phòng không từ dưới đất bắn lên dữ dội, đạn cao xạ đan chéo như lưới. Yểm hộ cho “Thần Sấm” là từng tốp “Thanh bảo kiếm” F100.

 

Mải mê “ngắm” trận địa, nhả bom, máy bay địch không ngờ phía trước phi đội bay của ta đang chờ sẵn. Lợi dụng lúc “Thần Sấm” đang nghiêng mình thả bom, tôi quyết định cắt bán kính áp sát mục tiêu. Khi cách “Thần Sấm” 300-400m, máy ngắm bao trọn mục tiêu, tôi siết cò điểm xạ, thấy trúng, tôi làm tới luôn. 200 viên đạn từ 2 khẩu 23 ly và 30 ly đồng loạt rời nòng tạo lên một quầng lửa quanh mục tiêu. Trong giây lát, “Thần Sấm” bị tiêu diệt, lửa bùng lên đỏ rực. Tôi thét lên sung sướng trong buồng lái”, Tướng Hanh nhớ lại.

 

“Con trời” về làng

 

Vị tướng và trận không chiến với “Thần Sấm”  - 3
Trung tướng Trần Hanh.

 

Tướng Trần Hanh nhớ lại, khi chiếc F105 của địch trúng đạn, cả dàn F 100 nhào lên truy sát. Chiếc MIG 17 của ông nằm trong lưới đạn dày đặc. Trong tình thế nguy cấp, ông kéo gập cần lái, máy bay chao mình lộn ngược, vừa hay 2 quầng sáng của 2 quả tên lửa “rắn đuôi kêu” từ chiếc F100 bắn ra xẹt hai bên cánh. Để thoát vòng vây, ông vội đưa mắt lên chiếc la bàn tìm hướng, nhưng trục kim đã hỏng sau cú lộn mình tránh đạn. Hết cách, ông buộc phải nhằm hướng Tây bay thẳng. Sau vài phút, đèn tín hiệu báo hết xăng. Tình thế một lần nữa đẩy chiếc MIG 17 vào chỗ gay cấn. Không thể quay về, không còn xăng để hạ cánh vào bất cứ sân bay nào gần nhất, chiếc MIG 17 hạ dần độ cao rồi rơi tự do. Trong thời khắc nguy cấp, Sở chỉ huy ra lệnh cho ông bỏ máy bay, nhảy dù để bảo toàn tính mạng.

 

Tuy vậy, ông vẫn dồn hết sức cố điều khiển chiếc MIG 17 lúc này đang đâm chúi đầu xuống đất. Từ trên cao, một mảnh ruộng bằng phẳng bên bờ suối lọt vào tầm ngắm. Không hạ càng, ông để cho chiếc máy bay đáp xuống bằng bụng. Sau cú hạ cánh có một không hai đó, chiếc MIG 17 trượt trên đám ruộng được vài chục thước rồi khựng lại. Đại úy Trần Hanh gục đầu trong buồng lái không động đậy, máu chảy ướt đẫm mặt và áo ông.

 

Không biết mình ngất đi bao lâu, lúc tỉnh dậy, chưa kịp định thần thì đã thấy rất đông người người dân đã kéo đến bao vây chiếc máy bay. Lột vội chiếc mũ lái, ông thò tay lấy cuộn phim ghi lại cảnh hạ “Thần Sấm” đút vội vào túi ngực. Lò dò bò ra khỏi khoang lái, ông bị bà con người Thái “áp tải” ngót 3km về một thung lũng khác để... tạm giam.

 

Đại úy Trần Hanh không biết rằng, lúc ông đang rơi thì trên bầu trời, 3 đồng đội của ông là Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm đã anh dũng hy sinh. Trước đó chỉ vài phút, sau khi Lê Minh Huân bắt chiếc F - 105 thứ hai đền tội, tên lửa đối không từ máy bay địch bắn ra dữ dội. Cuộc chiến không cân sức đã khiến Lê Minh Huân và hai đồng đội mãi mãi ra đi.

 

Về phần Trần Hanh, sau khi thông tin về một phi công cùng chiếc máy bay hạ cánh bên bờ ruộng làng Kẻ Tằm (Quỳ Hợp - Quỳ Châu - Nghệ An) được cấp báo, đích thân Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Đại đoàn 320, Trung tá Nguyễn Văn Quế đã băng rừng lên Kẻ Tằm ngay trong đêm. Tới nơi, gặp phi công “lạ” ông hét to: “Hanh 48 đây rồi!”. Lúc ấy bà con mới tin đó là “phi công mình”. Họ đồng thanh hô to “Khăm klơi! Khăm klơi! (con trời! con trời) đã về làng!”.

 

Cuộc hôn nhân “thần tốc”

Trung tướng Trần Hanh sinh ngày 29/11/1932 tại xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Tham gia cách mạng tháng 12 năm 1946. Cấp bậc, chức vụ cao nhất: Trung tướng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Tướng Trần Hanh được phong tặng Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 1967, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huy hiệu của Người. Ngoài ra, ông còn được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân, huy chương cao quý khác.

 

Về Hà Nội, ông phải nhập viện điều trị vết thương. Va chạm từ lần hạ cánh trên... ruộng đã khiến 3 đốt xương sống của ông dẹt vào làm 1, đầu bị chấn thương do đập vào máy ngắm. 3 tháng ròng bà Xuyến, vợ ông, cứ mỗi buổi tan làm lại vào viện chăm ông. Ông nói tình yêu của bà dành cho ông là vô bờ bến, còn ông chỉ đem đến cho bà những nỗi đau.

 

Hai ông bà yêu rồi cưới nhau (năm 1958) chỉ trong vỏn vẹn đúng 1 tháng. Sau đó là khoảng thời gian 3 năm trời xa nhau biền biệt. Trong thời gian này, có người trêu đùa bảo, hôn nhân thần tốc thì cũng khó vững bền. Vậy nhưng bà chỉ cười. Năm 1961, sau lần nghỉ phép ông từ Trung Quốc về nước và cũng trong năm này bà hạ sinh cô con gái đầu lòng Trần Thị Ngọc Hà. Tên con cũng là tên phố, nơi hai ông bà được gặp nhau sau bao năm xa cách.

 

Với niềm tin, sự vun đắp tình cảm của 2 bên gia đình vốn thân thiết bao năm và hơn hết là tình yêu cao cả của bà dành cho ông, Trần Hanh đã dần bình phục sau một thời gian. Đến năm 1967, tại làng Thụy Hương (Sóc Sơn - Hà Nội) bà sinh tiếp cho ông cậu con trai Trần Trung Dũng. Hiện cả 2 người con của ông bà cùng nối nghiệp cha, cống hiến cho Quân đội. Ông tự hào khoe rằng, các cháu nội ngoại đều chăm ngoan hiếu thảo. Cháu lớn đã lập gia đình, có con đưa ông bà lên chức cụ.

 

Trước lúc chia tay, ông ký tặng tôi một bức chân dung, gửi lời hỏi thăm đến ông nội và bố tôi, đều là những người lính Cụ Hồ. Ông căn dặn lớp trẻ chúng tôi phải sống sao cho xứng đáng với cha ông mình.

 

Theo Công Tâm

 Gia đình & Xã hội