1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vị thuyền trưởng vượt sóng cứu ngư dân trên biển

(Dân trí) - Hơn 10 năm “cầm cương” tàu SAR 412, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn cùng thủy thủ nhiều lần phải đương đầu với những sóng gió của đại dương để làm nhiệm vụ cứu ngư dân gặp nạn.

Nhiều ngư dân miền Trung không hề xa lạ với cái tên thuyền trưởng Phan Xuân Sơn (SN 1958). Ông là thủ lĩnh của tàu SAR 412 - được xem là thần hộ mệnh ứng cứu ngư dân miền Trung - thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC).

Sinh ra tại TP Vinh (Nghệ An), ông Sơn từng học ĐH Hàng hải Hải Phòng trước khi đi bộ đội. Năm 1984, chàng thanh niên 26 tuổi đầu quân cho Công ty Vận tải sông biển Nghệ An, bắt đầu nghiệp thủy thủ trên con tàu Sông Lam.

Năm 1993, ông gặp và nên duyên vợ chồng với bà Trần Thị Mỹ Duyên ở Đà Nẵng nên đã quyết định vào Quảng Ngãi làm thuyền phó tàu Long Xuyên để rút ngắn khoảng cách địa lý giữa hai vợ chồng.

Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn trên chiếc tàu SAR 412
Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn trên chiếc tàu SAR 412

Năm 2005, ông Sơn nhận lệnh tiếp quản tàu SAR 412 là tàu cứu nạn hiện đại nhất Việt Nam do Công ty Damen (Hà Lan) sản xuất. Sứ mệnh cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân đặt trên vai của vị thuyền trưởng từ đó cho đến tận bây giờ.

Hơn 10 làm thủ lĩnh con tàu SAR 412, với thuyền trưởng Sơn, mỗi chuyến ra khơi cứu nạn đều là một kỷ niệm nhớ đời. Ở các chuyến tàu đó, có cả những kỷ niệm vui có cả những ký ức chan đầy nước mắt. Có những chuyến cứu nạn mà dù có tinh thần thép, thuyền trưởng Sơn cũng phải rưng rưng nước mắt vì xót thương.

Vị thuyền trưởng già còn nhớ như in lần cứu nạn trong cơn bão Chanchu năm 2006. “Thường các ngư dân khi thấy tàu ra ai cũng rất mừng vì mình đã được cứu nhưng lần đó chúng tôi ra đến nơi, không khí quá tang thương, rất nhiều người chết”, ông Sơn nhớ lại.

Ngoài cứu nạn trong cơn bão Chanchu, tàu SAR 412 do ông cầm lái đã vượt sóng giữ cứu nạn không biết bao nhiêu ngư dân. Mỗi lần tàu cá bị hư hỏng, chết máy, ngư dân bị thương… trong điều kiện thời tiết xấu, hải trình xa thì tàu SAR 412 xuất hiện.


Hơn 10 năm “cầm cương” tàu SAR 412, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn cùng thủy thủ nhiều lần phải đương đầu với những sóng gió của đại dương để làm nhiệm vụ cứu giúp ngư dân gặp nạn.

Hơn 10 năm “cầm cương” tàu SAR 412, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn cùng thủy thủ nhiều lần phải đương đầu với những sóng gió của đại dương để làm nhiệm vụ cứu giúp ngư dân gặp nạn.

Mỗi chuyến ra khơi, tàu của ông không chỉ gặp khó khăn do thời tiết xấu mà con gặp sự cản trở của tàu hải cảnh Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với ông, tính mạng của ngư dân luôn được đặt lên hàng đầu và nhiệm vụ của tàu SAR là bảo vệ cho sự an toàn của ngư dân, với bất cứ giá nào. Với sự khéo léo của mình, con tàu của ông đã nhiều lần vượt qua vòng vây tàu hải cảnh, đưa ngư dân vào bờ an toàn.

“Khi vào khu vực đó, mình phải cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, điều khiển con tàu làm sao cho thật khéo léo”, ông Sơn chia sẻ.

Hơn 10 năm trực tiếp chỉ huy tàu SAR 412, ông Sơn như cuốn “bản đồ sống” về các luồng lạch hàng hải, tọa độ giữa biển trời Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo thuyền trưởng Sơn, đặc thù công việc không thường xuyên ra biển, ông không hay phải đi công tác xa nhà, nhưng lúc nào phải trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

“Dù ở đâu, làm gì thì khi có lệnh là 15 phút sau phải có mặt tại tàu. Điện thoại cũng không bao giờ được tắt”, ông Sơn cho biết.

Cũng vì thế, mặc dù không ra biển nhưng bạn bè rủ đi Hội An hay lên Bà Nà chơi, ông đều phải từ chối.

Hơn 10 năm đi tàu cứu nạn là chừng ấy năm ông không ở bên gia đình vào giao thừa, chưa có giờ phút đón thời khắc năm mới trọn vẹn với vợ con. Không ít lần tàu SAR 412 phải hành trình xuyên Tết trên biển. Ông chỉ biết chúc Tết gia đình qua… điện thoại.

Dù đối mặt với bao hiểm nguy, vất vả nhưng ông Sơn luôn tự hào bởi mình là thủy lĩnh của một con tàu là điểm tựa vững chắc của ngư dân. Chưa bao giờ thuyền trưởng Sơn có ý nghĩ sẽ xa rời SAR bởi con tàu đã là một phần máu thịt của ông.

“Đêm nào ngủ trên bờ y như rằng đêm đó tôi không ngon giấc bởi… nhớ tàu. Giao thừa năm nay cũng như mọi năm thôi, làm thuyền trưởng phải xuyên Tết trên tàu chứ không thể lên bờ được” – Ông Sơn nói.

Khánh Hồng