1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vị thế mới của Việt Nam

Tháng 1/2004, đúng vào dịp năm mới “tống cựu nghinh tân”, nhà ngoại giao Lê Lương Minh lên đường đi New York (Mỹ) nhận trọng trách là đại sứ đặc mệnh toàn quyền, trưởng phái đoàn đại diện thường trực VN tại Liên Hiệp Quốc.

Ông mang theo một nhiệm vụ nặng nề: vận động cho ghế thành viên không thường trực của VN tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009.

Cuộc vận động 10 năm

Tháng 2/1997, VN đăng ký ứng cử ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2008-2009. Đại sứ Lê Lương Minh bộc bạch: “Tranh cử vào HĐBA vốn luôn khó, tranh cử để có được một ghế đại diện cho nhóm châu Á lại càng khó hơn”. Ông Minh cho biết châu Á là nhóm có số thành viên đông nhất (54), đa dạng nhất về khuynh hướng chính trị và tôn giáo, với nhiều quốc gia có những lợi thế tự nhiên do qui mô dân số và trình độ phát triển.

Gần như mọi năm, để tranh một ghế không thường trực đại diện cho nhóm châu Á luôn có 2-3 ứng cử viên. Tranh ghế nhiệm kỳ 2007-2008 (một năm trước VN) có ba ứng cử viên, sau rút một còn hai. Tranh ghế nhiệm kỳ 2009-2010 đã có hai ứng cử viên, có thể sẽ có thêm. Các ghế không thường trực dành cho châu Á đến năm 2029 đều đã có nước đăng ký ứng cử.

Các cuộc đua tranh có từ hai ứng cử viên trở lên bao giờ cũng cam go và gay cấn. Đã có lúc phải sau 155 vòng bỏ phiếu kéo dài hơn ba tháng, đại hội đồng LHQ mới bầu được một thành viên không thường trực mới của HĐBA. Điều không một ứng cử viên nào thích là phải “tranh cử”, bởi lẽ như đại sứ Minh ví von: “Tranh cử giữa các nước cũng như một trận cầu. Dù là trận cầu giao hữu nhưng cũng khó tránh được căng thẳng, đơn giản vì chỉ có một bên thắng. Thua chẳng ai muốn mà thắng bạn thì trong niềm vui cũng có nỗi buồn”.

Yếu tố niềm tin

Theo đề nghị của VN, ngày 27/10/2006, tức là tám tháng sớm hơn qui định,  nhóm châu Á tại LHQ đã thông qua quyết định giới thiệu VN là ứng cử viên duy nhất cho ghế ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Đại sứ Minh kể rằng vào thời điểm ít ngày trước cuộc họp quan trọng này, trước tin đồn một vài “đối thủ tiềm tàng” - những nước thuộc loại “đại gia” trong châu lục đã từng tuyên bố ý định tranh cử vào HĐBA - có thể sẽ ra tranh cử với VN, ông đã gặp đại sứ các nước này tìm hiểu.

Thông điệp ông nhận được là một thông điệp cảm động và gần như đồng nhất: “Chúng tôi tin VN và chúc các bạn thành công”. Khi được yêu cầu nêu một ví dụ, ông “bật mí”: “Là câu nói từ đại sứ của nước có ngoại trưởng vừa được bầu làm tổng thư ký mới của LHQ. Tôi tiếc là vừa qua không kịp về New York để dự trận golf với Tổng thư ký Ban Ki Moon theo lời mời của ông”.

Bước vào cuộc họp ngày 27/10, đại sứ Lê Lương Minh lại có dịp chứng kiến thêm nhiều điều cảm động. Ông cho biết thường khi xem xét các quyết định tương tự, chỉ các nước lớn và một vài nước đại diện cho các tiểu khu vực phát biểu, nếu không có ý kiến phản đối, chủ tịch cuộc họp - đồng thời là chủ tịch của nhóm châu Á trong tháng đó - sẽ kết luận.

Tại cuộc họp ngày 27/10, khi xem xét trường hợp VN, gần như tất cả đại diện các nước tham dự cuộc họp đã giơ biển xin phát biểu. Do thời gian hạn chế, sau khi đại diện 19 nước phát biểu, nhóm châu Á đã nhất trí đề cử VN là ứng cử viên duy nhất cho ghế ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Như vậy, gần như chắc chắn sẽ không có ai tranh cử với VN.

Cuộc vận động 10 năm tạo niềm tin bước đầu gặt hái kết quả. Đại sứ Lê Lương Minh chia sẻ: “Tôi nghĩ yếu tố niềm tin là cơ sở chính để chúng ta nhận được sự ủng hộ lớn lao này. Bạn bè truyền thống đặt niềm tin vào VN như một chiến hữu kiên định, có nguyên tắc. Các đối tác khác khuynh hướng chính trị nhìn nhận ở ta chính sách cởi mở, xây dựng”. Đại sứ Minh cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Trong câu chuyện trở thành ứng cử viên duy nhất này, rất cần tránh cách suy nghĩ các nước ngại VN nên không tranh cử với ta”. Ông nói: “Làm ngoại giao, tôi không muốn thấy ai ngại VN. Điều ta cần và trân trọng là sự tin tưởng và yêu mến của tất cả mọi người”.

Vị thế mới, trách nhiệm mới

Một khi trở thành thành viên của HĐBA LHQ, VN sẽ cùng với 14 thành viên khác tham gia quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến chiến tranh và hòa bình, điều tiết binh bị, chống khủng bố, trừng phạt hay không trừng phạt... Khi được hỏi liệu quyền lợi này có vẻ hơi xa xôi đối với mối lo cơm áo gạo tiền, đại sứ Lê Lương Minh đưa ra một phân tích thiết thực: “Hãy đặt câu hỏi VN cần và có thể làm gì khi HĐBA đứng trước quyết định liên quan đến chiến tranh hay hòa bình, trừng phạt hay không trừng phạt, thịnh vượng hay đổ nát ở một quốc gia, một vùng lãnh thổ có công dân VN sinh sống và có các doanh nghiệp VN hoạt động?”.

Đại hội đồng LHQ sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu chính thức bầu các ủy viên không thường trực mới của HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 vào tháng 10/2007. VN gần như đã nắm chắc chiếc ghế này. “Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC, rồi vào HĐBA, VN sẽ có vị thế mới và trách nhiệm mới.

Thực tế cho thấy nhiều khi giàu có không nhất thiết đi đôi với vị thế. Mặc dù chúng ta đang phải phấn đấu rất nhiều để phát triển kinh tế, nhưng tôi nghĩ lòng tự hào dân tộc vào vị thế của VN là điều cần thiết và chính đáng. Tôi tin rằng việc hoàn thành trách nhiệm cao cả trước cộng đồng quốc tế và qua đó nâng cao vị thế VN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta trong công cuộc phát triển đất nước” - đại sứ Minh tâm sự.

Theo Cẩm Hà
Tuổi Trẻ