Vì sao trường nghề 60 tỷ đồng bị bỏ hoang suốt 2 năm?
(Dân trí) - Về việc Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Bình Thuận bị bỏ hoang hơn 2 năm nay, Ban giám hiệu nhà trường cho biết nguyên nhân là vì bị khiếu kiện công tác bồi thường đất.
Ngày 27/11, tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo cùng Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh Bình Thuận tổ chức, tỉnh đã công bố văn bản giải trình của Ban giám hiệu trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật Công Đoàn Bình Thuận về thông tin ngôi trường bị bỏ hoang hơn 2 năm qua.
Văn bản giải trình của trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật Công Đoàn Bình Thuận do bà Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng trường (vừa nhận chức được 3 tháng) và ông Trần Quang Duyệt - nguyên hiệu trưởng trường (về hưu vào đầu năm 2020) đồng ký tên.
Theo văn bản giải trình này, vào năm 2012, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình trường trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật Công Đoàn Bình Thuận với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2014, công trình được khởi công tại đường Âu Cơ, xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết, trên khu đất rộng 4 ha với quy mô đào tạo, giảng dạy cho 2.000 học viên.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Duyệt - nguyên hiệu trưởng trường cho biết, do nguồn gốc đất UBND tỉnh cấp có nguồn gốc là nghĩa trang nên phải di dời hơn 1.600 ngôi mộ, đến cuối năm 2017 mới thực hiện xong.
Ngoài ra, còn có 11 hộ gia đình ở trên đất không chấp nhận tiền đền bù hỗ trợ để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đến tháng 5/2018, 10/11 hộ dân đã chấp thuận nhận tiền đền bù và di dời để bàn giao mặt bằng, chỉ còn lại hộ của ông Bùi Văn Khiêm vẫn tiếp tục không chấp hành mà khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Thuận để yêu cầu UBND TP Phan Thiết phải bồi thường và trả lại đất.
Tháng 11/2018, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Khiêm, đồng thời buộc UBND TP Phan Thiết phải bồi thường và trả lại đất cho ông Khiêm.
Nhưng đến tháng 12/2018, Viện KSND tỉnh Bình Thuận lại có quyết định kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án.
Đến tháng 9/2019, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Khiêm. Qua đó, chủ đầu tư phối hợp cùng các đơn vị chức năng địa phương đã yêu cầu ông Khiêm phải bàn giao phần đất nằm trong dự án để tiến hành thi công kịp tiến độ và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào quý III của năm 2020.
Tuy nhiên, khi dự án đang triển khai đến đầu năm 2020 thì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp gây ảnh hưởng, gián đoạn công tác thi công.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, để ngôi trường đang xây mới rơi vào tình cảnh như hiện nay, nhà trường cũng rất xót.
Theo bà Hà, hiện chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu thi công các hạng mục của ngôi trường phải quay trở lại tiếp tục thực hiện công trình. Đây là công trình đang trong quá trình thi công, nhà thầu chưa thi công xong và cũng chưa nghiệm thu, bàn giao cho nhà trường.
Mới đây, lãnh đạo trường cũng đã cam kết với Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận phải quyết tâm đưa trường vào hoạt động trong quý I năm 2021 để phục vụ đào tạo học nghề cho nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, như thông tin báo Dân trí phản ánh, Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Bình Thuận được cấp vốn 60 tỷ đồng để xây dựng cơ sở mới tại đường Âu Cơ, xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, với quy mô đào tạo, giảng dạy cho 2.000 học viên.
Tháng 11/2014, dự án được khởi công theo chuẩn trường nghề quốc gia với nhiều hạng mục như: phòng học, thực hành, hội trường, căng tin, ký túc xá, sân bãi dạy lái xe... Dự kiến đến cuối năm 2017, trường sẽ được đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, đến khoảng năm 2018, khi hạng mục công trình hội trường thi công gần xong thì đội ngũ công nhân phụ trách gói thầu này bỗng dưng dừng lại rồi rút đi mà không rõ lý do.
Từ thời điểm đó đến nay đã hơn 2 năm, công trình bị bỏ hoang. Nhiều gói thầu đã thi công xong nhưng chưa được nghiệm thu, bụi bám dày đặc và có dấu hiệu hư hỏng.