1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dự án “Thành phố giao lưu”:

Vì sao ông Hoàng Văn Nghiên ưu ái VIGEBA?

Hà Nội, những năm đầu thế kỷ 21 cơn sốt đất lên đến đỉnh điểm. Có một dự án xây dựng khu đô thị ra đời với cái tên rất “phi thương mại”: “Thành phố giao lưu”. Sau 3 tuần thành lập, Cty cổ phần VIGEBA đã được giao làm chủ đầu tư dự án khu đô thị rộng tới gần 1 triệu m2.

Tuy nhiên sau hơn 3 năm có quyết định tạm giao đất, khu đất có diện tích gần 1 triệu m2 của dự án vẫn mọc đầy  cỏ rậm và trở thành một địa chỉ của nhiều tệ nạn xã hội...

 

Dự án “Thành phố giao lưu” vào năm 1996 được giao cho Cty Liên doanh Xây dựng quốc tế VIC (một Cty liên doanh với Cu Ba) làm đối tác phía Việt Nam để đàm phán liên doanh với một tập đoàn Thụy Sĩ.

 

Cùng năm đó, hai bên đã có văn bản ghi nhớ. Mục tiêu của dự án là hình thành một khu đô thị có “đẳng cấp” trên diện tích 100 ha thuộc địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm với tổng mức đầu tư lên đến trên 500 triệu đô la.

 

Cái tên “Thành phố giao lưu” hàm ý chỉ mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Thụy Sĩ. Tuy nhiên sau một thời gian dài chuẩn bị, vào ngày 10/5/2000, phía đối tác Thụy Sĩ đã có đơn xin rút khỏi dự án với lí do “Điều kiện kinh tế không cho phép”.

 

Ngay sau đó, VIC đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội xin được tìm đối tác trong nước thành lập Cty Cổ phần cùng thực hiện Dự án.

 

Ngày 23/5/2000, Sở KH&ĐT Hà Nội có công văn gửi VIC hoan nghênh việc làm này và khẳng định: “ Sở KH&ĐT Hà Nội có trách nhiệm hướng dẫn, cấp đăng ký kinh doanh (cho Cty Cổ phần)”.

 

Một năm sau, ngày 2/7/2001, Cty Cổ phần VIGEBA được thành lập, do ông Nguyễn Quang Hưng làm TGĐ, vốn điều lệ của Cty là 90 tỷ đồng. Thành viên sáng lập gồm: VIC (36 tỷ đồng); Cty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp (27 tỷ đồng); TCty Bảo hiểm Việt Nam (27 tỷ đồng)...

 

Ngay khi Cty VIGEBA còn “trứng nước”, sau 3 tuần được khai sinh thì ngày 25/7/2001, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc đó là ông Hoàng Văn Nghiên đã ký văn bản số 1719: “UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc giao cho Cty Cổ phần VIGEBA là chủ đầu tư dự án “Thành phố giao lưu”.

 

Đầu năm 2002, cũng chính ông Hoàng Văn Nghiên ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị tỷ lệ 1/2000. Sau đó, ông Đỗ Hoàng Ân, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký quyết định 4746 ngày 25/7/2002 “pháp lý hóa” việc này.

 

Trong thời buổi tấc đất-tấc vàng, việc một doanh nghiệp vừa “chào đời” mới được 20 ngày đã trở thành chủ đầu tư một dự án khu đô thị rộng gần 1 triệu m2, mặt tiền bám dọc đường Phạm Văn Đồng 400m khiến các nhà đầu tư khu đô thị lừng lẫy cả về tiền và kinh nghiệm phải thèm thuồng và ngả nón... “chào”.

 

Những quyết định vội vàng?

 

Ngày 28/8/2002, UBND TP Hà Nội có quyết định số 5994 thu hồi 1.064.735m2 đất tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) và xã Cổ Nhuế, thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) tạm giao cho VIGEBA thực hiện dự án.

 

Bốn tháng sau, ngày 25/12/2002, UBND TP Hà Nội ra quyết định 8918 sửa điều 1 quyết định 5994. Theo đó, diện tích đất thu hồi từ trên 1 triệu m2 giảm xuống còn 973.977m2.

 

Ngày 20/5/2004, ông Nghiên tiếp tục ký văn bản số 1694 gửi VIGEBA: “Cho phép đầu tư và giao chủ đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu”.

 

Chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi ký văn bản này, ông Hoàng Văn Nghiên thôi chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Tuy văn bản 1694 chỉ ở dạng “công văn”, song ai cũng biết “hiệu lực” của nó và đương nhiên những người kế nhiệm phải thực hiện.

 

Vì lẽ đó một tháng sau, UBND TP Hà Nội đã có quyết định 3823 chính thức thu hồi gần một triệu m2 đất tại Từ Liêm và Cầu Giấy giao cho VIGEBA đầu tư khu đô thị. Và gần một tháng sau, cũng chính UBND TP Hà Nội lại phải ban hành thêm quyết định 4437: Điều chỉnh, bổ sung một số điều của quyết định 3823.

 

Vì sao lại có sự  “vội vàng” này? Phải chăng vì ngày 1/7/2004 Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, theo đó một số cơ chế chính sách sẽ thay đổi bất lợi cho VIGEBA. Ví như, dự án xây dựng khu đô thị phải thông qua đấu giá đất, khung giá đất thay đổi... Phải chăng vì lẽ đó mà người ta buộc phải có quyết định giao đất sớm?

 

Thậm chí, dù dự án chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhưng chủ đầu tư vẫn được giao đất - điều này chưa từng có tiền lệ. Việc xin ý kiến cho dự án của một số Bộ liên quan chưa được thực hiện, song đất vẫn được tạm giao...

 

Đến nay sau hơn 3 năm kể từ ngày chủ đầu tư được tạm giao đất và sau 9 năm kể từ khi dự án phôi thai, khu đô thị vẫn chỉ nằm trên bản vẽ. Sự lãng phí về thời gian, cơ hội đầu tư, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân là rất lớn. Trách nhiệm này thuộc về ai?

 

Theo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm