Vì sao Ninh Bình cản trở một dự án ODA lớn?
Văn phòng đại diện của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tại Hà Nội vừa cảnh báo về sự chậm trễ trong việc thực hiện dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình (NĐNB) II. Nguyên nhân chính của việc một dự án sử dụng vốn ODA lớn có nguy cơ đình trệ là thái độ và cách làm khó hiểu của UBND tỉnh Ninh Bình.
Tỉnh đột ngột đổi ý
Lý do khiến JBIC đưa ra cảnh báo, theo ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện JBIC tại Hà Nội, là việc UBND tỉnh Ninh Bình đang cố gắng tác động để di dời địa điểm xây dựng Nhà máy NĐNB II sang nơi khác, trong khi mọi công việc cho lễ khởi công xây dựng nhà máy đã gần hoàn thành: lập báo cáo khả thi, giải phóng mặt bằng...
"Việc thay đổi vị trí dự án sẽ dẫn đến hủy bỏ việc đấu thầu; mất nhiều thời gian để lựa chọn vị trí mới, chuẩn bị nghiên cứu khả thi mới và đánh giá về môi trường... làm cho việc thực hiện dự án bị chậm trễ nghiêm trọng", ông Mutsuya Mori cảnh báo.
Theo ông này, nếu xảy ra việc di dời nhà máy, “JIBIC sẽ xem xét trường hợp này như một dự án mới và phải thẩm định lại từ bước đầu tiên để quyết định xem dự án mới có phù hợp với hướng dẫn về việc xem xét môi trường của chúng tôi hay không".
Được biết, dự án Nhà máy NĐNB II có quy mô công suất tương đối lớn (300 MW) nằm trong Tổng sơ đồ phát triển điện V do Thủ tướng phê duyệt ngày 28/7/2004 với địa điểm được nêu rõ: phường Thanh Bình, thị xã Ninh Bình.
Dự án được Chính phủ Nhật Bản cam kết cho vay vốn ưu đãi ODA lên tới 342 triệu USD. Dự kiến, tháng 9/2007, dự án bắt đầu triển khai xây dựng và đến năm 2010 sẽ đưa vào vận hành thương mại.
Về phía tỉnh Ninh Bình, mặc dù trong những năm đầu chuẩn bị thực hiện dự án, lãnh đạo, các sở ban, ngành của tỉnh này đều đánh giá cao hiệu quả của dự án, nhất trí triển khai dự án tại địa điểm trên là hợp lý nhất sau khi đã có những khảo sát tại các địa điểm khác nhau.
Tuy nhiên, cho đến tháng 11/2006, tỉnh này lại bất ngờ có văn bản gửi Bộ Công nghiệp, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) - chủ đầu tư - và gần đây liên tiếp có những công văn, kiến nghị lên Chính phủ đề nghị xem xét lại địa điểm thực hiện dự án.
Trong buổi làm việc chiều ngày 22/6, ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: "Lý do của việc tỉnh đề nghị di dời địa điểm thực hiện dự án vì thị xã mới nâng cấp lên thành phố và việc có một nhà máy nhiệt điện có thể gây ô nhiễm trong thành phố là không phù hợp với định hướng phát triển Ninh Bình thành thành phố du lịch trong tương lai".
Theo ông Thắng, tỉnh đã có đề nghị di chuyển địa điểm thực hiện dự án sang Khu công nghiệp Ninh Phúc (cách đó 3 km - TN), còn địa điểm hiện tại vẫn giao cho Công ty điện lực Ninh Bình.
"Chuyển dự án cho tỉnh nào khác cũng được" (?)
Sau khi cân nhắc các ý kiến của Bộ Công nghiệp, EVN, UBND tỉnh Ninh Bình, ngày 4/5/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ Công nghiệp chỉ đạo EVN tiếp tục triển khai dự án trên tại phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình và yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với EVN để triển khai dự án đảm bảo tiến độ.
Tuy nhiên, cho đến nay, tỉnh Ninh Bình vẫn không chấp hành và có biểu hiện gây khó dễ cho Ban Quản lý dự án thực hiện các công việc chuẩn bị cho việc khởi công như chưa duyệt phương án đền bù, không cho lấy đất để san nền... như phản ánh của các cán bộ Ban Quản lý dự án Nhà máy NĐNB II. |
Theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Đỗ Hữu Hào, đề nghị của UBND tỉnh Ninh Bình chuyển dự án này vào Khu công nghiệp Ninh Phúc là bất hợp lý do trước đây, địa điểm này cũng đã được tư vấn dự án khảo sát, xem xét.
Theo tư vấn thì địa điểm này "không đáp ứng những tiêu chí cơ bản để xây dựng một nhà máy nhiệt điện than như: không đủ diện tích mặt bằng để bố trí cảng than chuyên dùng, vị trí neo đậu xà lan, không đủ diện tích chứa kho xỉ, nền móng yếu...".
Về tác động môi trường, theo các nghiên cứu, quan trắc của tư vấn, nếu xây dựng ở địa điểm này sẽ gây ô nhiễm cao do nằm cách trung tâm thành phố 3-4 km... Ngoài ra, theo Thứ trưởng Hào, nếu dự án phải chuyển sang địa điểm khác sẽ làm cho nhà máy chậm vận hành ít nhất 3 năm, gây lãng phí rất lớn về vốn đầu tư (hiện đã đầu tư cho giải phóng mặt bằng, san nền, tái định cư trên 200 tỉ đồng) và tổng mức đầu tư tăng lên (do trượt giá + lãi suất vay).
Thế nhưng, trả lời báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình lại cho rằng: "Có thiệt hại về kinh tế nhưng không lớn lắm". Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã kể lại, ông đã nói với đoàn công tác của Chính phủ khi xuống làm việc với tỉnh về vấn đề này là: "Thôi thì, các anh chuyển dự án cho tỉnh nào khác cũng được".
Theo Mạnh Quân
Báo Thanh niên